Lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống; trở thành giá trị nhân văn, nhân ái, “lá lành đùm lá rách” theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới (gọi tắt Nghị quyết số 42-NQ/TW) đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu”.
Quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42-NQ/TW của Đảng, một nghị quyết mang đầy ý nghĩa nhân văn, nhân ái, ngày 13/4/2024, tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước từ nay đến năm 2025”. Lễ phát động do Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” với mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025. Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng phong trào có ý nghĩa nhân văn, nhân ái sâu sắc, cao đẹp sẽ nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội và của toàn dân.
Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều năm qua, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trở thành phong trào thi đua sôi nổi với những hoạt động thiết thực theo phương châm: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, nhằm hỗ trợ các hộ nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xoá nhà tạm, dột nát. Phong trào thi đua đã đề cao sự nhân văn, nhân ái, “Lá lành đùm lá rách”, đã đem lại hiệu quả thiết thực và vô cùng quan trọng, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tạo sự lan tỏa lớn, thu hút được sự quan tâm và chung tay góp sức của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân. Các cơ quan Trung ương đã quan tâm, ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho người có công của tỉnh Kon Tum; các huyện, thành phố đã chủ động trích “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để kịp thời hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho những hộ khó khăn về nhà ở; các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện tốt phong trào “đền ơn đáp nghĩa” đã thực hiện hỗ trợ nhiều nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2018-2023, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện 1.294 nhà (hỗ trợ xây mới 1.285 nhà và hỗ trợ sửa chữa 9 nhà), tổng kinh phí thực hiện là 40 tỷ 870,5 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo với việc xây dựng mới 556 căn nhà và xây sửa chữa 211 căn nhà với tổng kinh phí là 26 tỷ 880,5 triệu đồng (từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi).
|
Theo báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát do Tỉnh ủy triệu tập vào ngày 7/11, thực hiện Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 14/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến hết năm 2025 .
Đồng thời, thực hiện Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 6/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1350-QĐ/TU ngày 11/10/2024 và Văn bản 1440-CV/TU ngày 28/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật chính xác số lượng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn quản lý (gồm 3 nhóm đối tượng theo Công điện số 102/CĐ-TTg), xác định lộ trình thực hiện cụ thể và gửi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng dự thảo quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên; kế hoạch chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và các nội dung liên quan đến hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết năm 2025.
Theo kết quả rà soát hộ gia đình đang ở nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (theo 3 nhóm đối tượng), thì có 2.480 hộ thuộc diện hỗ trợ (xây mới 2.277 hộ, sửa chữa 203 hộ) với tổng kinh phí 131 tỷ 680 triệu đồng (xây mới 125 tỷ 850 triệu đồng, sửa chữa 5 tỷ 830 triệu đồng). Lộ trình thực hiện trong năm 2024 là 1.351 hộ (xây mới 1.200 hộ, sửa chữa 151 hộ) và trong 6 tháng đầu năm 2025 là 1.129 hộ (xây mới 1.077 hộ, sửa chữa 52 hộ).
Được biết kinh phí thực hiện ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ từ “Quỹ cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”, đến thời điểm 31/10/2024, tỉnh ta cũng đã huy động được 2 tỷ 608,8 triệu đồng từ nguồn vận động triển khai phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, các cấp, ngành được lan tỏa trong hàng chục năm qua cho đến hôm nay, trở thành giá trị nhân văn, nhân ái, nghĩa cử cao đẹp của truyền thống dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”.
Dương Đức Nhuận