Siết chặt hơn công tác quản lý thực phẩm
An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng luôn được người dân quan tâm bởi nó không chỉ tác động trực tiếp đến kinh tế mà hơn hết là những ảnh hướng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng và cả niềm tin của cộng đồng. Việc một số vụ sản xuất hàng giả là thực phẩm được các cơ quan chức năng phát hiện thời gian gần đây cho thấy công tác quản lý về an toàn thực phẩm cần phải được siết chặt hơn nữa.
|
Những ngày gần đây, sự việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát hiện, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận gây xôn xao và bất bình trong dư luận. 573 loại sữa bột giả do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất đã được đưa ra thị trường và bán công khai từ kênh thương mại điện tử, các cửa hàng nhỏ lẻ, trên các nền tảng mạng xã hội trong suốt 4 năm qua. Đã có rất nhiều người tiêu dùng là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền sử dụng các loại sản phẩm này.
Trước đó, trong tháng 3, nhiều người tiêu dùng bày tỏ bức xúc khi vụ việc sản phẩm thực phẩm bổ sung SUPERGREENS GUMMIES (Kẹo rau củ Kera) được quảng bá, giới thiệu sai sự thuật, thổi phồng hàm lượng chất xơ khiến người dùng tin rằng sản phẩm này giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ tiêu hóa bị phát hiện. Qua điều tra, cơ quan Công an đã xác định các bị can có dấu hiệu phạm tội sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Các đối tượng có liên quan đều bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam, nhưng từ những vụ việc này cũng cho thấy những khoảng trống trong công tác quản lý thực phẩm và nỗi lo đối với sức khỏe người sử dụng.
|
Tại tỉnh Kon Tum, những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này đã được tăng cường.
Theo đó, trong năm 2024, ngành Y tế đã thành lập 42 đoàn kiểm tra từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tiến hành kiểm tra 5.341 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra độc lập 36 cơ sở. Ngành Nông nghiệp tổ chức kiểm tra, thẩm định đối với 162 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh nông thủy sản và 65 hộ trồng rau. Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra 4 cơ sở. Trong quý I năm 2025, ngành Y tế đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra 1.900 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra, từ năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý khoảng 110 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Thế nhưng, có lẽ những con số thống kê này cũng không thể “kể hết” câu chuyện về vi phạm an toàn thực phẩm. Có bao nhiêu cơ sở nhỏ lẻ, những điểm kinh doanh tự phát không nằm trong diện kiểm tra? Có bao nhiêu sản phẩm đã qua mặt được lực lượng chức năng và tới tay người tiêu dùng? Có bao nhiêu trường hợp ngộ độc thực phẩm mà người dân không thông báo nên không được ghi nhận trong hệ thống? Nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới trên Facebook, Zalo, Tiktok diễn biến phức tạp, chưa được quản lý hiệu quả.
Trên thực tế tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn xảy ra. Trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 6 người mắc, trong đó có 1 người tử vong và 54 ca mắc lẻ tẻ.
Điều này cho thấy, cần phải siết chặt hơn nữa việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm gắn với nâng cao nhận thức, kiến thức về sử dụng, tiêu thụ thực phẩm để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngày 14/4, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh ban hành Kế hoạch 1209/KH-BCĐ về việc triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025. Tháng hành động được triển khai từ ngày 15/4-15/5/2025 trên địa bàn tỉnh. Đây là đợt cao điểm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với việc thực thi các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Song song với đó là việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm cũng như đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, việc đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải được duy trì thường xuyên, liên tục chứ không chỉ dừng lại ở “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, tránh tình trạng ra quân thì rầm rộ, hình thức hoành tráng nhưng kết quả thu về không cao. Công tác thanh tra, kiểm soát cần thực chất hơn để tránh tình trạng nhà sản xuất, kinh doanh có tư tưởng đối phó với các loại giấy tờ thủ tục mà chưa thật tâm đầu tư vào chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc công khai các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng là giải pháp cần thiết nhằm đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn những hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.
Có thể nói, việc siết chặt, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, mỗi người tiêu dùng cần tự trang bị, nâng cao kiến thức, nhận thức và thận trọng hơn việc lựa chọn, sử dụng các loại hàng hóa là thực phẩm.
Thiên Hương