Lan tỏa khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ta. Để lan tỏa những thành tựu, giá trị đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày mùng 9 tháng Giêng (6/2/2025), các địa phương trong toàn tỉnh đã sôi nổi ra quân, tạo khí thế thi đua sôi nổi tiếp tục xây dựng những vùng quê đáng sống.
Những năm qua, chương trình thi đua xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào có tính lan tỏa sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, được các cấp, các ngành của tỉnh chỉ đạo, triển khai quyết liệt, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, khắp các địa phương, người dân đã tự nguyến hiến đất, đóng góp công lao động, tiền của để làm các công trình hạ tầng ở nông thôn, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh để xây dựng kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Đồng thời, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp... Nhờ đó, diện mạo các vùng nông thôn của tỉnh khởi sắc rõ nét, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư khá đồng bộ, sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, đời sống của người dân được nâng lên.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 53 xã cơ bản hoàn thành chương trình xã xây dựng nông thôn mới, trong đó, có 48 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 16,26 tiêu chí/xã. Có 8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 30 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 83 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục góp phần đánh thức tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng ở mỗi địa phương và cho thấy, đây là một trong những điểm nhấn trong phát triển kinh tế nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên còn hiệu lực.
Theo Nghị quyết 89/NQ-HĐND (ngày 9/12/2024) của HĐND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh ta đặt mục tiêu phấn đấu phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện Đăk Hà và huyện Ngọc Hồi đạt huyện nông thôn mới; có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 200 thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.
|
|
Tuy nhiên, tại Chỉ thị số 03/CT-UBND (ngày 13/01/2025) về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh đề ra những yêu cầu cao hơn cho các ngành, địa phương. Theo đó, mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới theo quy định, thêm 9 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với huyện nông thôn mới, phấn đấu có 4 huyện gồm Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy và Ia H’Drai đạt chuẩn huyện nông thôn mới và thành phố Kon Tum hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS, thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà và Sa Thầy phấn đấu có từ 60% thôn (làng) đạt chuẩn trở lên; huyện Ngọc Hồi và Đăk Tô là 57%; các huyện Kon Rẫy, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei là 50%.
Có thể nói, đây là nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao, sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và phải huy động được các nguồn lực xã hội cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong toàn tỉnh.
Nhằm mang đến động lực mới và tạo khí thế thi đua sôi nổi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày mùng 9 tháng Giêng, các địa phương trong toàn tỉnh đồng loạt tổ chức lễ ra quân đầu năm với chủ đề “Ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Mỗi huyện, thành phố lựa chọn một điểm tổ chức Lễ ra quân điểm để các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến dự, chung vui và động viên bà con nhân dân các địa phương.
Tùy tình hình thực tế, mỗi địa phương chủ động lựa chọn những nội dung, hoạt động ra quân phù hợp như triển khai thực hiện các mô hình về phát triển sản xuất, khai hoang cải tạo đồng ruộng, phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, kênh mương, nhà văn hóa, khu thể thao; cải tạo cảnh quan môi trường, trồng cây xanh các trục đường giao thông, chỉnh trang hệ thống chiếu sáng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn tu sửa nhà cửa, cải tạo vườn cây, làm chuồng chăn nuôi, xóa nhà tạm, nhà dột nát; lập lại trật tự, văn minh đô thị, nông thôn như, thu gom vệ sinh môi trường.
Mỗi nơi một cách làm, một phần việc, nhưng tất cả đều được triển khai thực hiện nghiêm túc, tiết kiệm, thiết thực, không phô trương hình thức, thu hút và đặc biệt thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Qua đó, cho thấy khí thế, quyết tâm xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững.
Một năm bắt đầu từ mùa Xuân. Việc tổ chức các hoạt động ra quân đầu năm Ất Tỵ 2025 là hoạt động mang ý nghĩa tiết thực, giúp lan tỏa khí thế thi đua hăng say lao động, sản xuất ở tất cả các cấp, ngành, đơn vị, địa phương ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Thùy Hương