An cư, lạc nghiệp cho đồng bào DTTS
Đảm bảo đất ở, đất sản xuất là một trong những điều kiện quan trọng giúp hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.
Chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, đã được cụ thể hóa trong các quy định của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 16/6/2022), Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã đề ra yêu cầu có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất. Khoản 6 Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 quy định “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện”.
Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của việc đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong việc góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị.
|
|
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác này, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Đặc biệt, chú trọng thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Kết quả, tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã có 139 hộ đồng bào DTTS được hỗ trợ đất ở; trong đó, giao đất trực tiếp cho 19 hộ với diện tích đất 4.189m2, hỗ trợ kinh phí ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép cho 120 hộ. Toàn tỉnh cũng có 915 hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, trong đó có 617 hộ đồng bào DTTS, chiếm 67,43% tổng số hộ đã được hỗ trợ về nhà ở; 17 hộ được hỗ trợ cả đất ở và nhà ở. Đồng thời, các cấp, ngành đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 1.085 hộ, trong đó có 45 hộ được giao đất trực tiếp, còn 1.040 hộ được hỗ trợ bằng hình thức chuyển đổi ngành nghề.
Có đất ở, đất sản xuất giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Điều này cũng tạo sự phấn khởi và tin tưởng của người dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu đất ở, đất sản xuất. Mục tiêu của tỉnh đặt ra là đến năm 2025, đảm bảo 100% hộ đồng bào DTTS sẽ có đất ở và đất sản xuất.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS, đảm bảo đúng quy định và điều kiện thực tế của địa phương, ngày 12/11/2024, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 82/2024/NQ-HĐND về chính sách đất đai đối với cộng đồng đồng bào DTTS và cá nhân người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Nghị quyết gồm 7 điều, quy định rõ về đối tượng thụ hưởng, chính sách hỗ trợ áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đây chính là một bước cụ thể hóa các quy định của Nhà nước, tạo căn cứ, cơ sở để các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm việc hỗ trợ đất đai cho các cá nhân và cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh sớm được hoàn thành, tại Kỳ họp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang lưu ý, UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện và cấp xã phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt việc rà soát, lập danh sách các trường hợp không còn đất, thiếu đất hoặc không có đất để giao, cho thuê theo quy định. Trên cơ sở đó lập phương án hỗ trợ, nêu rõ các trường hợp được hỗ trợ, diện tích hỗ trợ, hình thức hỗ trợ đất đai theo đúng quy định.
Việc giải quyết tốt các vấn đề về đất ở và đất sản xuất đã tác động tích cực, giúp đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa địa phương. Nhưng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, bản thân các hộ đồng bào DTTS thuộc đối tượng được hỗ trợ cũng cần phát huy tinh thần tự lực tự cường, nâng cao trách nhiệm quản lý và khai thác hiệu quả đất đai để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thiên Hương