Đề xuất về thời gian có hiệu lực thi hành Nghị quyết của Quốc hội và việc chấm dứt thực hiện nhiệm vụ thành viên UBND các cấp
Sáng 13/2, các ĐBQH tỉnh cùng các ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên và thành phố Cần Thơ tham gia thảo luận tại Tổ 8 đối với các Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
|
Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận.
Các ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám đã cùng 5 ĐBQH của các Đoàn ĐBQH khác phát biểu ý kiến tham gia xây dựng luật.
Phát biểu tham gia ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết này.
Về thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành, để đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc “không để gián đoạn công việc; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, của người dân; không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế,...”, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua, không chờ đến ngày 1/3/2025 như đề xuất của cơ quan trình.
|
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” trong việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, đến nay đã có nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức, đồng thời cũng có nhiều cơ quan đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các văn bản liên quan về sắp xếp tổ chức bộ máy đang chờ nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực là sẽ ban hành và tổ chức thực hiện.
Góp ý về thời gian thực hiện Nghị quyết, đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết, theo dự thảo, Nghị quyết này được thực hiện đến hết ngày 28/2/2027; từ nay tới đó, các cơ quan nhà nước phải ban hành đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật phục vụ sắp xếp, tổ chức bộ máy Nhà nước.
Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, thời gian này hơi gấp, áp lực đặt ra rất lớn, nhất là với Chính phủ, với các cơ quan Trung ương vì số lượng văn bản phải sửa đổi rất lớn. Lãnh đạo Bộ Tư pháp thông tin trên 150 luật và trên 200 nghị định phải sửa đổi bổ sung, hoặc ban hành mới. Vì vậy, nên quy định thời gian thực hiện Nghị quyết được kéo dài lên 3 năm, hoặc tới năm 2029.
Tham gia ý kiến đối với dự án Luật tổ chức Chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị bổ sung vào Điều 39 Dự thảo luật quy định việc đương nhiên cho thôi làm nhiệm vụ thành viên UBND. Theo đó, sau khoản 3 Điều 39 dự thảo luật quy định “Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND được điều động hoặc bị cách chức chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực.”; bổ sung thêm khoản 4 của điều này quy định: "Thành viên UBND bị cách chức hoặc bị điều động ra khỏi vị trí được xác định là thành viên UBND theo quy định của luật thì chấm dứt việc thực hiện nhiệm vụ thành viên UBND kể từ khi quyết định điều động, cách chức có hiệu lực".
|
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước về sự cần thiết ban hành nghị quyết; đề nghị rà soát và làm rõ thêm quy định tại khoản 6, Điều 4 “Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lắp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra” để thực hiện thông suốt. Quy định về xử lý các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn; về thời điểm có hiệu lực của nghị quyết;...
Phát biểu kết thúc Phiên thảo luận, đồng chí U Huấn đề nghị Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các ĐBQH gửi về Tổng thư kí Quốc hội, Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời phát biểu tham gia 3 ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Hồ Nam