Bí thư Đoàn xã làm kinh tế giỏi
Ở xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), anh A Sáng (sinh năm 1988) không chỉ được biết đến là một cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình mà còn là tấm gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Từ 2 bàn tay trắng, với ý chí dám nghĩ, dám làm và sự nỗ lực của tuổi trẻ, đến nay, anh A Sáng đã có thu nhập (sau khi trừ chi phí chăm sóc) ước tính trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê đang trĩu quả, vườn sâm dây đang phát triển xanh tốt cùng đàn trâu bò hơn chục con… mới thấy được khát vọng làm giàu không ngừng trên chính mảnh đất quê hương của người thanh niên này.
Anh A Sáng sinh ra tại thôn Đăk Chum 2 (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông). Năm 2009, anh lấy vợ rồi chuyển qua thôn Tu Bung (xã Ngọc Lây) sinh sống.
Lúc mới lấy nhau về, hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không có nhà ở phải dựng lều trong rẫy lúa để tá túc qua ngày. May mắn thay vào thời điểm đó, là người duy nhất ở xã có trình độ học vấn 12/12, nên anh được UBND xã Ngọc Lây tiếp nhận về công tác.
Vừa công việc ở xã, anh tranh thủ những lúc rảnh rỗi trồng cây lúa, cây bắp. Tuy nhiên, sản lượng làm ra chỉ đủ để ăn chứ không có dư. Không cam chịu đói khổ, anh suy nghĩ, trăn trở tìm cách thoát nghèo.
|
Nhận thấy việc trồng lúa, bắp không đem lại hiệu quả kinh tế, anh cùng vợ quyết tâm khai hoang 4 sào đất để trồng cây mì. Anh A Sáng cho biết, qua tìm hiểu biết được cây mì chịu được điều kiện khắc nghiệt và mang lại thu nhập cao, anh quyết định trồng thử nghiệm cây mì. Thử nghiệm vì lúc đó, cả xã Ngọc Lây, anh là người đầu tiên trồng cây mì ở đây.
Cuối năm 2009, không phụ công anh sương gió chăm sóc, rẫy mì 4 sào thu hoạch bán được 15 triệu đồng. Với thành công bước đầu, anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng mì lên hơn 1ha và trồng thử nghiệm nửa sào cây cà phê. Những năm sau đó việc trồng trọt thuận lợi, lấy nguồn thu từ cây mì và cây cà phê, anh đầu tư trồng thêm cây bời lời, mua thêm trâu bò về nuôi…
Khi tích cóp được một số vốn, anh quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bằng việc giảm diện tích trồng cây mì và tăng diện tích trồng cây sâm đương quy.
Anh A Sáng cho biết, năm 2014, qua tìm hiểu biết được trồng cây dược liệu đem lại giá trị kinh tế cao, anh đầu tư mua 1.000 cây giống sâm đương quy về trồng trên diện tích 2 sào. Tuy nhiên, cây sâm đương quy đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cao hơn cây mì, vì không có kinh nghiệm nên việc trồng sâm đương quy năm đó của anh bị thất bại.
Năm 2015, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như có những chính sách hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu, cộng với việc các công ty thu mua cây dược liệu ký cam kết đầu ra cho người dân, anh quyết định bán 6 con bò lấy tiền để đầu tư.
Với số tiền hơn 60 triệu đồng bán được từ bò, anh mua 1kg hạt giống sâm đương quy về gieo thành cây để tiếp tục trồng trên diện tích 6 sào và đầu tư trồng mới 500 cây sâm Ngọc Linh cùng 1ha cà phê xứ lạnh.
Chịu khó và biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường, năm 2017, sau khi trừ tất cả các chi phí chăm sóc, tổng thu nhập của gia đình anh từ trồng trọt và chăn nuôi được hơn 100 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh còn tăng diện tích trồng mì thêm 1,5ha, trồng thêm 2 sào sâm dây và 200 cây sâm Ngọc Linh.
Nhắc đến sâm Ngọc Linh, anh A Sáng cho hay, nắm bắt được nhu cầu trồng sâm Ngọc Linh tăng cao, anh đã mua hạt giống về gieo thành cây tầm 1 tuổi rồi bán lại. Từ sự nhanh nhạy này, năm vừa rồi, anh còn kiếm thêm được 30 triệu từ việc ươm và bán cây giống sâm Ngọc Linh.
Thành công là vậy nhưng cũng có nhiều thời điểm khó khăn, anh A Sáng tưởng chừng không vượt qua. “Có thời điểm đàn trâu bò bị chết mất 6 con vì dịch bệnh, bời lời nhiều năm nhưng không có người mua, cũng như sâm Ngọc Linh sinh trưởng không tốt, tôi cũng lo lắm. Với sự kiên trì, mọi khó khăn cũng dần qua” - anh A Sáng nói.
Qua gần 10 năm phấn đấu, bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, nay gia đình anh (4 người) đã có nhà ở khang trang, gia đình yên ấm. Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh cho biết, với phương châm “Bán cây ngắn ngày để đầu tư cây dài ngày”, sẽ tiếp tục tăng diện tích trồng mì, trồng thêm 3 sào sâm dây, nhân rộng đàn gia súc… để lấy vốn trồng cà phê và sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, anh cũng tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cũng như tìm kiếm những mô hình làm kinh tế hiệu quả để học hỏi.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh A Sáng còn năng nổ trong các hoạt động xã hội. Với những kinh nghiệm có được, anh luôn sẵn sàng chia sẻ, nhiệt tình giúp đỡ các đoàn viên thanh niên và bà con trong xã phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, ngoài công việc Bí thư Đoàn xã Ngọc Lây, anh còn là Trưởng nhóm mô hình trồng sâm dây của xã Ngọc Lây, mô hình triển khai trên diện tích 1,6ha cùng với sự tham gia của 16 hộ gia đình thanh niên.
Anh A Sáng xứng đáng là điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, là tấm gương sáng cho các đoàn viên thanh niên noi theo.
Bài, ảnh: Đức Thành