Ngày Xuân kể chuyện sản phẩm OCOP
Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã đi qua, nhưng với các chủ thể làm OCOP, cơ sở bán hàng OCOP niềm vui còn đọng lại mãi khi những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các địa phương đã khẳng định sức hút trên thị trường trong mùa tiêu dùng Tết. Điều đó cho thấy, các địa phương, cơ sở đang đi đúng hướng trong việc phát triển các sản phẩm OCOP.
Qua hơn 5 năm triển khai, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mở cánh cửa để các cơ sở, địa phương khai thác, phát huy những lợi thế của nông sản đặc trưng. Đến nay, toàn tỉnh có 249 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên còn hiệu lực, trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 8 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá phân hạng), 19 sản phẩm đạt 4 sao và 221 sản phẩm 3 sao.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng chiếm lĩnh thị trường và lòng tin của người tiêu dùng. Điều này có thể thấy rõ qua sức tiêu thụ sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
Mở cửa lại sau 1 tuần nghỉ Tết, trong câu chuyện những ngày đầu Xuân mới, chị Trương Thị Hồng – chủ cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trên đường Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum) phấn khởi kể: Dịp Tết năm nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh ta được người tiêu dùng đón nhận khá tích cực, nhất là những sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm như trà sâm dây, sâm dây, măng, mắc ca, yến các loại. Sản phẩm được cả khách hàng là các cơ quan, đơn vị và khách hàng cá nhân trong tỉnh cũng như khách du lịch chọn mua để sử dụng và làm quà biếu, tặng. So với Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Tết năm nay, sức mua tăng hơn khoảng 10%, so với ngày thường tăng khoảng 20%. Hiện tại, dù đã hết Tết, nhưng người dân đang đi du xuân nên sức mua sản phẩm OCOP vẫn khá tốt. Sở dĩ sản phẩm OCOP được tin dùng bởi đều là sản phẩm đặc trưng mang hương vị riêng biệt của các địa phương, bảo đảm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, rõ nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã đẹp.
|
|
Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP bày bán trên 100 mặt hàng OCOP, nguồn hàng luôn dồi dào, được nhập về liên tục giúp khách hàng có nhiều lựa chọn. Ngoài việc tổ chức bán hàng, cửa hàng còn có tích cực quảng bá cho chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP, từ đó, nhiều người tiêu dùng ngày càng biết đến và tin tưởng hơn trong việc tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm OCOP của tỉnh.
Với đất đai màu mỡ, phì nhiêu, Ia Chim trở thành “vựa” trái cây của thành phố Kon Tum. Phát huy lợi thế này, các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim đã chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng chất lượng cao, an toàn nông sản. Nhờ đó, đến nay, Hợp tác xã đã có 6 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận gồm bưởi, mít thái, ổi nữa hoàng, quýt đường, bơ sáp và sầu riêng. Các sản phẩm OCOP này luôn hút khách, đặc biệt vào dịp lễ, tết sức mua tăng cao.
Ông Bùi Trung Sơn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ Ia Chim cho biết: Sản phẩm chất lượng, được tiếp thị tốt nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trong dịp Tết vừa qua, mặc dù Hợp tác xã đã tính toán từ trước để tăng thêm lượng hàng phục vụ nhu cầu sử dụng trái cây tươi của người dân nhưng vẫn không đủ bán. Hàng hóa bán ra khá ổn, mang lại thu nhập tương đối cho các thành viên Hợp tác xã, là nguồn động viên lớn với những người làm ra sản phẩm chúng tôi.
Trong chia sẻ của ông Bùi Trung Sơn chứa đựng nhiều niềm vui và niềm tự hào về sản phẩm địa phương. Đây chính là động lực để họ tiếp tục nỗ lực mở rộng vùng sản xuất, hoàn thiện chất lượng sản phẩm, tham gia đánh giá công nhận lại khi hết thời hạn, đồng thời, nâng hạng sao OCOP trong thời gian tới.
Với nhiều người dân Kon Tum, trong đó có tôi, từ vài năm nay, mua sản phẩm OCOP để làm biếu tặng họ hàng, bạn bè vào dịpTết đã trở thành thói quen. Điều này hết sức dễ hiểu khi sản phẩm phù hợp về giá cả, bao bì bắt mắt, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao, hợp thị hiếu. Đây cũng là một cách thể hiện tinh thần tự hào hàng Việt, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Theo ông Huỳnh Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ chương trình OCOP, các sản vật địa phương, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được chế biến thành nhiều sản phẩm, hàng hóa với hình thức, mẫu mã khác nhau. Trải qua chặng đường hơn 5 năm, các chủ thể ngày càng hiểu rõ lợi ích, giá trị thiết thực mà chương trình mang lại nên không chỉ tăng về số lượng mà sản phẩm OCOP ngày càng được hoàn thiện về chất lượng, chuẩn hóa từ bao bì, mẫu mã, mã vạch và thông tin về sản phẩm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cùng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh năng động, linh hoạt trong quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Với những tín hiệu tích cực từ sức tiêu thụ sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua giúp tạo động lực, củng cố niềm tin để các chủ thể OCOP tiếp tục phát triển, nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm OCOP trên thị trường dịp Tết không chỉ giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mà còn góp phần bình ổn thị trường.
Thiên Hương