Xã Pô Kô: Nỗ lực chăm lo cuộc sống cho dân
Nhiều năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được cấp ủy và chính quyền, đoàn thể xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) cụ thể hóa bằng những việc làm thực tế như gần dân, giúp dân, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Xã Pô Kô có hơn 900 hộ dân (với khoảng 3.300 khẩu) và gần 100% số hộ là đồng bào DTTS.
Từ năm 2016 về trước, bà con trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp với phương thức canh tác lạc hậu, năng suất đạt thấp; vì vậy, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 35% tổng số hộ dân trên địa bàn.
Trăn trở từ thực tế hộ nghèo ở địa phương còn khá cao, Đảng ủy xã Pô Kô đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức hưởng ứng, đăng ký thi đua thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh” bằng việc gần dân, cụ thể hóa các kế hoạch, chỉ tiêu thiết thực để giúp bà con địa phương phát triển sản xuất, tiến tới giảm nghèo hiệu quả.
Ông A Hiêu - Chủ tịch UBND xã Pô Kô nói: Để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 32%, trong những năm 2016-2019, UBND xã tập trung tổ chức quán triệt, thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo mới của các cấp về giao kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương… Tất cả các chủ trương này đều hướng tới giúp người dân giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu chính đáng trên quê hương của mình.
“Đặc biệt, xã phân công cán bộ làm công tác dân vận có kinh nghiệm về thôn, làng giải thích rõ về việc triển khai các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư làm ăn, cấp miễn phí cây con giống (theo chế độ quy định) để phát triển sản xuất... Từ các việc làm gần dân như thế, đã động viên bà con đồng thuận cùng các cấp ủy đảng, chính quyền quyết tâm giảm số hộ nghèo trên địa bàn xã từ 5-7%/năm, theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ xã Pô Kô đề ra giai đoạn 2016-2020” - ông A Hiêu nhấn mạnh.
|
Chính quyền xã đã phối hợp tốt với các đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã triển khai thực hiện Chỉ thị 05 gắn với việc giúp dân giảm nghèo ở địa phương. Ông Hà Văn Xuyên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Pô Kô cho biết: Từ năm 2016 đến 2019, Hội đã phối hợp với UBND xã tổ chức tập trung 20 lượt tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện của địa phương cho 400 lượt hộ dân tham gia. Cùng đó, đã xây dựng được 12 mô hình sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế có sự tham gia trực tiếp của hội viên hội nông dân và hộ nghèo, cận nghèo. Hội Nông dân xã cũng đã đứng ra tín chấp cho 526 lượt hội viên vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện Đăk Tô để đầu tư phát triển kinh tế, với tổng dư nợ đạt gần 19 tỷ đồng.
Đồng hành với người dân, UBND xã còn phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Đăk Tô tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch cà phê, cao su… Nhờ đó, diện tích cây trồng được đầu tư phát triển hiệu quả, bắt đầu cho thu nhập ổn định.
Điển hình làm kinh tế khá có hộ A Chương ở thôn Kon Tu Jốp 1. Theo lời kể của anh Chương, gia đình anh vốn là hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất. Năm 2017, thông qua Hội Nông dân xã Pô Kô tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Tô, A Chương và một số hộ nghèo ở khu dân cư được tạo điều kiện vay vốn 70 triệu đồng/hộ, và còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cao su.
“Từ nguồn vốn vay, tôi trồng được 2 ha cao su. Ngoài ra, gia đình còn có 3 ha mì mang lại thu nhập hàng năm hơn 50 triệu đồng đủ trang trải sinh hoạt gia đình và thuê thêm đất trồng cà phê. Với diện tích trồng trọt trên, hứa hẹn sẽ đưa lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình vài năm tới. Do đó, cuối năm 2019, tôi bàn với vợ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã” - anh Chương chia sẻ.
Năm 2019, anh A Đe ở thôn Kon Tu Jốp 2 cũng quyết định xin thoát nghèo do làm ăn khá giả nhờ vốn vay chính sách từ cách đây 4 năm. Năm 2016, gia đình A Đe thuộc diện hộ nghèo đã được UBND xã xác nhận hồ sơ vay 70 triệu đồng để đầu tư trồng 3 ha cà phê và mua máy bơm tưới, làm hệ thống ống dẫn nước tưới, phân bón... Anh Đe đã sử dụng vốn đúng mục đích, năm vừa qua vườn cây cho thu hoạch vụ đầu tiên được gần 80 triệu, sau khi trừ chi phí ban đầu. Có thu nhập ổn định, gia đình tự nguyện xin thoát nghèo.
Theo Chủ tịch UBND xã Pô Kô, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo xã còn quan tâm, bố trí hơn 1,6 tỷ đồng để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng và cấp miễn phí cây, con giống cho các hộ nghèo, nhằm đẩy mạnh giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã. Cùng với đó, địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn.
Với nhiều giải pháp đã triển khai đã góp phần nâng tổng diện tích cây trồng ở xã lên khoảng 860 ha (tăng hơn 200 ha so với năm 2016); trong đó cây lâu năm hơn 820 ha, bao gồm: 240 ha cà phê, 50 ha cao su, 130 ha bời lời. Đến cuối năm 2019, toàn xã giảm xuống còn 174 hộ nghèo, chiếm 22% tổng số hộ dân.
Mai Trâm