Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo
Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, góp phần xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng, mọi người đều được phát triển toàn diện, tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Hồ Chí Minh không chỉ thấy tôn giáo là hiện tượng xã hội mang tính đặc thù mà còn xem tôn giáo là một thành tố, bộ phận của văn hóa. Người từng nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”.
Người cũng nêu rõ những giá trị đạo đức và văn hóa nhất định của các tôn giáo:
“Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái.
Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi.
Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”
|
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những cụ thể hóa nội dung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn bổ sung, nâng tầm ý nghĩa của tự do tín ngưỡng, tôn giáo khi đặt nó trong mối quan hệ gắn bó với độc lập dân tộc, đó là “nước có độc lập thì tôn giáo mới được tự do”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn xuất phát từ lòng khoan dung, tôn trọng đức tin của mỗi người. Không vì đức tin khác nhau mà bài xích, nghi kỵ nhau.
Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của nhân dân, là quyền con người không ai được xâm phạm, đồng thời là một trong những mục tiêu của cách mạng Việt Nam.
Tư tưởng đó được thể hiện nhất quán trong lý luận và hoạt động thực tiễn của Người và đã trở thành nguyên tắc nền tảng xuyên suốt trong chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Ngày 14/6/1955, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã ký sắc lệnh 234/SL về vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, theo đó khẳng định: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Mỗi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo đảm pháp lý cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra cách thức, giải pháp để hiện thực hóa quyền này trong đời sống xã hội.
Người đề nghị cả hệ thống chính trị phải quan tâm giải quyết vấn đề tôn giáo. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người dân, thẳng thắn phê phán trước hiện tượng một số cán bộ, đảng viên có thành kiến với tôn giáo; kiên quyết chỉ đạo khắc phục và yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo”.
Đó cũng là nội dung nổi bật và xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo đó là: Đoàn kết tôn giáo. Người đã căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc”. Nội dung cơ bản của đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: Đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đoàn kết giữa đồng bào trong mỗi tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, Người cũng đã kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị phản động và bài trừ các tệ mê tín dị đoan. Người chủ trương: “Bảo vệ tự do tín ngưỡng, nhưng kiên quyết trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo đã phản Chúa, phản nước”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hiện nay, là những chỉ dẫn hết sức chuẩn mực để Đảng ta vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giải quyết vấn đề tôn giáo, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
|
Từ khi đất nước ta bước vào đổi mới đến nay, quan điểm đối với tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng ta đã được khẳng định trong nhiều văn bản, trong văn kiện các kỳ đại hội. Gần đây nhất, tại Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện nay, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân Việt Nam đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Trong đó quy định rõ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các chính sách cụ thể đối với tôn giáo, tín ngưỡng; quy định quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Kon Tum là tỉnh miền núi vùng cao, biên giới, có gần 54% dân số là đồng bào DTTS. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo (Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo) với tổng số 218.674 tín đồ (trong đó có 160.626 tín đồ là đồng bào DTTS); có khoảng 247 chức sắc; khoảng 221 nhà tu hành là nữ tu đạo Công giáo; 140 cơ sở tôn giáo hợp pháp.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Kon Tum luôn quan tâm và thực hiện đúng đắn các chính sách liên quan đến tôn giáo và dân tộc, đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào DTTS nói riêng, nhân dân trên địa bàn nói chung. Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo và giải quyết kịp thời các nhu cầu, kiến nghị chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong hoạt động tôn giáo; cấp phép xây dựng, sửa chữa các công trình tôn giáo.
Chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt phương châm "tốt đời, đẹp đạo"; chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hoạt động, sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật, hiến chương, nội quy của giáo hội; tích cực tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, hoạt động tôn giáo tại tỉnh ta còn có những bất cập nhất định, như đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý; một số hoạt động của các tôn giáo còn vi phạm những qui định của pháp luật.
Theo Ban Tôn giáo tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số tôn giáo chưa được công nhận như “Pháp môn Diệu Âm”, “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”, “Hội thánh Đức Chúa trời toàn năng”, “Pháp luân công”, “Pháp lý vi vô khoa học huyền bí phật pháp”, “Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Thiên tâm đạo Trời của Cha Mẹ”.
Đặc biệt, nổi lên “Tà đạo Hà Mòn” và “Tổ chức Tin lành Đấng Christ”. Mặc dù hiện đã bị xóa bỏ qua công tác đấu tranh, tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng hai “đạo” này đã lôi kéo người dân tham gia; móc nối với các đối tượng phản động bên ngoài ngấm ngầm chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các mưu đồ chính trị.
Đảng ta xác định công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Vì vậy, làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.
Trong đó, cần tiếp tục vận dụng triệt để và sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng”. Kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, gây bức xúc trong dự luận, củng cố niềm tin của nhân dân.
Tập trung thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do theo hoặc không theo tôn giáo nào; quyền sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.
Sông Côn