Sức lan tỏa từ các mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều mô hình hay, đang tạo sức lan tỏa trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân...
Trong năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo quán triệt Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các hội, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động của hội, đoàn thể mình. Qua quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, đơn vị đã năng động, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đợt sinh hoạt chính trị này.
Ông Phan Thanh Minh - Phó Bí thư Thành ủy Kon Tum cho biết: Toàn thành phố đã xây dựng được hơn 150 mô hình, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình ở xã Vinh Quang đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng hội trường; thành lập tổ tự quản thu gom rác; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Kon Tum thực hiện mô hình thực hành tiết kiệm đã giảm chi gần 500 triệu đồng/năm tiền điện, nước, văn phòng phẩm; phụ nữ phường Thắng Lợi, phường Duy Tân, phường Trường Chinh, phường Nguyễn Trãi, xã Đăk Năng, Chi bộ Hội Chữ thập đỏ thành phố… thực hiện mô hình nuôi heo đất, hũ gạo tình thương để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; Đảng bộ xã Ngọc Bay, Hoà Bình, Đăk Rơ Wa... thực hiện tốt mô hình “Tiếng kẻng học tập” nhằm vận động, nhắc nhở học sinh, đặc biệt là học sinh vùng đồng bào DTTS ra lớp, chăm chỉ học tập; đồng chí Cao Thị Phú - đảng viên chi bộ 1, Đảng bộ phường Duy Tân nhận nuôi, dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho trẻ khuyết tật là con em đồng bào các DTTS trong toàn tỉnh, cho một số hộ nghèo mượn tiền không tính lãi, hướng dẫn họ cách sản xuất để thoát nghèo; thầy giáo Trịnh Công Huệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (xã Đoàn Kết) đã nhiều năm cho các gia đình khó khăn mượn bò giống nuôi để lấy tiền nuôi con ăn học...
Huyện Đăk Hà qua triển khai thực hiện đã có nhiều mô hình tiêu biểu đem lại hiệu quả, thiết thực. Theo Bí thư Huyện ủy A Vượng, có nhiều mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, được nhân dân ghi nhận. Như mô hình “một văn phòng” ở các xã, thị trấn đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giảm phiền hà đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình liên hệ công tác, đảm bảo giải quyết công việc nhanh, đúng quy định, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mô hình Ngân hàng cộng đồng đã góp phần giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, không lo thiếu lương thực trong thời kỳ đói giáp hạt, hạn chế tình trạng bán lúa non hoặc vay nặng lãi. Hay như mô hình mối liên kết bốn nhà đã khuyến khích các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với người sản xuất; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn theo đồ án quy hoạch nông thôn mới của huyện và nâng cao đời sống nhân dân.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với mô hình “Nhóm tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tình thương”, “tiết kiệm mua sắm vận dụng gia đình”, “tiếng kẻng học tập”... trong thời gian ngắn, chị em đã mở ống tiền tiết kiệm được trên 28 triệu đồng giúp cho chị em hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với chủ đề “Làm theo gương Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, tính từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã vận động thành lập mới được 62 nhóm tiết kiệm với tổng số tiền 420 triệu đồng với 848 chị tham gia và hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo, có hoàn khó khăn được vay phát triển kinh tế gia đình. Từ mô hình của Hội Phụ nữ xã Ya Xiêr (Sa Thầy) “Nhóm phụ nữ đạo Tin Lành tích cực tham gia hoạt động Hội” đến nay đã được nhân rộng với việc thành lập Chi hội phụ nữ dòng tu (thuộc dòng Ảnh Vảy, dòng Thánh Phao Lô) với 42 hội viên hay Câu lạc bộ "Nữ thanh niên DTTS Công giáo tham gia tổ chức hội" với 37 thành viên tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô)... Đã có 150 chi hội có đông người Kinh và 291 ban, tổ nữ công kết nghĩa với 307/595 chi hội phụ nữ người DTTS. Thông qua hoạt động kết nghĩa, các chi hội, ban, tổ nữ công đã tổ chức nhiều việc làm thiết thực, thắt chặt tình đoàn kết giữa phụ nữ các dân tộc trong tỉnh.
Hội Cựu chiến binh tỉnh từ số tiền tiết kiệm đóng góp 1.000đ hằng ngày của CBCC đã mua 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng tặng ông A Nin (làng Kon KTu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy), đến nay Chi bộ Hội Cựu chiến binh tỉnh đang tiếp tục triển khai.
Với Chuyên đề năm 2015 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, hy vọng nhiều chuyên mô hình hay, cách làm mới tạo nên những bước chuyển biến mạnh mẽ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa trong xã hội.
Kim Sơn