Rèn luyện phong cách cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, rèn luyện tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ. Bản thân Người luôn là tấm gương sáng về tác phong làm việc tư duy, khoa học, hiệu quả...
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách, lề lối làm việc của người cán bộ có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng, đường lối, phương pháp cách mạng, cũng như có quan hệ chặt chẽ với đạo đức cách mạng. Phong cách cán bộ là một chỉnh thể, bắt đầu từ suy nghĩ (tư duy) đến hoạt động thực tiễn, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt đời thường.
Trước hết, người cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện phong cách tư duy. Nghĩa là mỗi cán bộ, đảng viên phải có tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Cán bộ phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải có chính kiến riêng, không theo kiểu nịnh nọt, a dua hoặc “gió chiều nào theo chiều nấy”.
|
Cán bộ phải rèn luyện tác phong quần chúng, dân chủ và khoa học trong công việc. Người đã căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích nhân dân lên trên hết và “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ mấy cũng hết sức làm; việc gì có hại cho nhân, dù nhỏ mấy cũng phải tránh”. Muốn tạo sự liên hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, cán bộ phải chịu khó đi cơ sở để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý; phải lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân; giải thích những vấn đề dân chưa hiểu; có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Người cán bộ không nên kiêu ngạo mà phải thấu hiểu và luôn phải sẵn sàng học hỏi nhân dân.
Khả năng tổ chức thực hiện đường lối của người cán bộ được quyết định bởi cách làm việc theo quan điểm quần chúng, chứ không phải làm việc theo cách quan liêu. Đây là bài học lớn từ tấm gương của Lênin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Với phương pháp khéo léo của mình, Lênin đã lay động được quần chúng nhân dân chưa giác ngộ và lạc hậu nhất trong các nước thuộc địa.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ phải có tác phong dân chủ. Người cho rằng, thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Người cán bộ lãnh đạo phải động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.
Người cán bộ phải đi sâu, đi sát cơ sở; nắm người nắm việc, nắm tình hình cụ thể; nắm bắt và xử lý thông tin phải khoa học. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người viết: “Nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến rèn luyện phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Trước khi nói, viết vấn đề gì, Người đều chú ý xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết; trong nói và viết luôn phải phù hợp với đối tượng và rõ chủ đề. Người căn dặn cán bộ, khi nói và viết phải chân thực, không ẩu, không được bịa ra; nói ngắn gọn, có đầu có đuôi và nội dung nói phải thiết thực, thấm thía; cách diễn đạt phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm.
Trong ứng xử với nhân dân, người cán bộ phải có thái độ ân cần, niềm nở, vừa thân ái vừa nhiệt tình, thể hiện tấm lòng độ lượng, khoan dung và phải có thái độ khiêm nhường, phải rất tế nhị.
Trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt cho mình một kỷ luật chặt chẽ, giữ nếp trật tự, ngăn nắp, gọn gàng…
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng ta đánh giá đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, như khắc phục được một số khuyết điểm, hạn chế trong công tác cán bộ và trong thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp đã chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, đổi mới phong cách và lề lối làm việc…
Tuy nhiên, trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong công việc được giao; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn…
Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà lần đầu tiên, “phong cách Hồ Chí Minh” đã được Đảng ta thể hiện và nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016): Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị.
Tiếp đó, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05-CT/TW (thay thế Chỉ thị 03-CT/TW) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với phạm vi rộng hơn, yêu cầu cao hơn, trọng tâm là học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” của Đảng cũng đã đặt ra yêu cầu thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Tất cả các quan điểm chỉ đạo của Đảng hiện nay cho thấy tầm quan trọng của việc vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nói chung và phong cách Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng.
Trước những yêu cầu thực tiễn giai đoạn cách mạng hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ phải nghiêm túc học tập và rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao đạo đức cách mạng cũng như hoàn thiện những phẩm chất cần thiết của người cán bộ, đặc biệt phải sâu sát quần chúng; phải nêu gương; lời nói phải đi đôi với việc làm; làm việc gì cũng có mục đích rõ ràng, có chương trình, kế hoạch cụ thể và biết tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất… để tạo lòng tin cho nhân dân.
Bài, ảnh: Tú Quyên