Người Bí thư Đảng ủy gần dân, sâu sát cơ sở
Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, ông Lưu Văn Sanh – Bí thư Đảng ủy phường Thống Nhất (thành phố Kon Tum) luôn được dân tin yêu, quý mến bởi những đóng góp trong xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Học Bác ở tư tưởng gần dân, trọng dân, vì dân
Năm 1992, Lưu Văn Sanh tham gia lực lượng dân quân phường Thống Nhất. Năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác, ông được giao giữ các chức vụ Bí thư Đoàn phường, rồi Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường.
Ở mọi cương vị được giao, Lưu Văn Sanh đều thể hiện được năng lực của bản thân, được lãnh đạo địa phương và tập thể đánh giá cao.
Năm 2005, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Trưởng khối dân vận phường Thống Nhất. Từ năm 2010 đến nay, ông được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy phường Thống Nhất.
Trong suốt 24 năm công tác, dù trên cương vị nào, ông Lưu Văn Sanh cũng luôn giữ vững nguyên tắc: chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng sát với tình hình thực tế địa phương; làm việc gì cũng theo quy chế, chương trình, kế hoạch do tập thể đề ra; đề cao trách nhiệm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xây dựng nội bộ đoàn kết, phát huy dân chủ trong cơ quan và trong nhân dân; luôn học tập và làm theo gương Bác ở tư tưởng gần dân, trọng dân, vì dân…
Ông Sanh giải thích, gần dân là để nắm bắt tình hình trong dân, trọng dân là lắng nghe ý kiến của dân, còn vì dân là làm việc gì cũng phải nghĩ đến dân.
|
Mỗi khi xuống cơ sở, ông Sanh ân cần thăm hỏi, lắng nghe ý kiến của người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Là người rất cẩn trọng nên trước khi họp bàn thống nhất ban hành một chủ trương gì, ông đều tham khảo ý kiến của quần chúng nhân dân, đặc biệt là các đảng viên cao niên tuổi đảng, người có uy tín trên địa bàn.
Ông cho rằng một chủ trương được đưa ra hay một nghị quyết được ban hành “không phải làm để lấy tiếng” mà ý nghĩa ở chỗ là nó có thực sự vì dân hay không, có mang lại lợi ích cho nhân dân hay không.
Những việc làm được dân tin yêu
Ông Sanh cho rằng, ông rất may mắn vì là người sinh ra và lớn lên tại địa phương nên dễ dàng nắm bắt tình hình thực tế địa bàn, am hiểu đời sống cũng như khó khăn, mong muốn của bà con nhân dân, từ đó kịp thời có những giải pháp giải quyết công việc ở cơ sở sâu sát hơn.
Thực hiện chủ trương của thành phố về vận động nhân dân đóng góp kinh phí để bê tông hóa đường hẻm ở khu dân cư theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, ông Sanh được Đảng ủy phân công phụ trách địa bàn Tổ dân phố 9.
Vì là tổ dân phố đầu tiên triển khai phong trào nên thoạt đầu nhiều hộ dân chưa hiểu hết ý nghĩa của việc làm này nên chưa nhiệt tình ủng hộ. Ông Sanh đã đứng ra vận động gia đình, họ hàng đi đầu trong việc đóng góp tiền để bà con cùng làm theo. Ông còn xuống từng hộ dân để vận động. Sau 8 tháng triển khai, đường hẻm 21 Nguyễn Văn Trỗi (dài 120m, rộng 2,5m) đã hoàn thành bê tông hóa với kinh phí nhân dân đóng góp 25 triệu đồng.
Sau tuyến đường hẻm này, phong trào bê tông hóa đường hẻm khu dân cư đã lan tỏa đến các thôn, tổ dân phố trên địa bàn phường. Đến năm 2013, phường Thống Nhất đã hoàn thành bê tông hóa các đường hẻm ở khu dân cư.
Năm 2005, thực hiện chủ trương của Thị ủy Kon Tum (nay là Thành ủy Kon Tum) về khắc phục tình trạng chăn nuôi thả rông và nhốt gia súc dưới sàn nhà, ông Sanh được phân công phụ trách thôn Kon Tum Kơ Nâm (1 trong 2 thôn đồng bào DTTS của phường).
|
Lúc bấy giờ hơn 200 hộ dân sinh sống ở làng Kon Tum Kơ Nâm ngày đó chủ yếu là làm nông nghiệp và chăn nuôi heo, bò theo thói quen thả rông và nhốt dưới gầm nhà sàn. Qua nắm bắt thực tế cơ sở, ông Sanh trực tiếp hướng dẫn những hộ gia đình có quỹ đất ở vườn nhà làm chuồng trại xa nhà ở để chăn nuôi; tham mưu với Đảng ủy phường cho chủ trương hoán đổi đất các hộ dân trong vùng để thành lập khu chuồng trại tập trung dành cho các hộ gia đình không còn quỹ đất vườn nhà để chăn nuôi. Sau 2 năm triển khai thực hiện, làng Kon Tum Kơ Nâm đã chấm dứt được tình trạng chăn nuôi thả rông và nhốt gia súc dưới sàn nhà…
Triển khai phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết và hội trường tổ dân phố, nhà rông tại các thôn làng, ông Sanh cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ kết hợp với vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng 62 căn nhà cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở, tập trung chủ yếu ở 2 làng đồng bào DTTS; vận động 11/14 tổ dân phố, thôn làng xây dựng hội trường, nhà rông.
|
Những năm gần đây, Bí thư Đảng ủy Lưu Văn Sanh còn cùng tập thể cấp ủy lãnh đạo chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển ngành nghề nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Bản thân ông Sanh cũng là tấm gương của việc làm này. Hiện tại, ngoài công việc ở cơ quan, về nhà, ông còn chăn nuôi gà, thử nghiệm trồng măng điền trúc, chanh Mỹ… Hết giờ làm việc trở về nhà, ông Sanh không ngơi tay, ngơi chân. Ông nói, sống ở địa bàn tỉ lệ hộ dân làm nông nghiệp cao nên mình phải tranh thủ làm việc gì đó gắn với chủ trương đã triển khai để tạo niềm tin cho bà con.
Ông Sanh chia sẻ: Học tập phong cách vì dân, trọng dân, gần dân của Bác Hồ để không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên, cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Tú Quyên