Nâng niu tất cả chỉ quên mình
Trong bài thơ “Bác ơi”, nhà thơ Tố Hữu đã khái quát tình yêu thương vô hạn của Bác dành cho đất nước, cho đồng chí, đồng bào bằng một câu thơ đầy xúc cảm: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Tình yêu thương con người là một trong những đức tính cao quý của Bác, và là một nội dung quan trọng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Trong suốt cuộc đời của Bác, “từ tuổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng” tình yêu thương đó không bao giờ thay đổi. Về tình yêu thương con người của Bác, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng viết “Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, cũng như trong cuộc sống hằng ngày, Hồ Chủ tịch đối xử với mọi người luôn có lý, có tình. Bác Hồ muôn vàn yêu thương đối với đồng chí, đồng bào, trong tình yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên sót một ai và sắp xếp cho mỗi người một vị trí chiến đấu, cũng như lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa thương yêu dìu dắt… Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả, Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy”.
Lịch sử đã chứng minh rằng động lực quan trọng để thúc đẩy Người đi tìm đường cứu nước, là lòng yêu nước và tình thương nhân dân bị đô hộ, nô dịch, lầm than cực khổ. Trên con đường bôn ba cứu nước ấy, Người đã gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và kết hợp nhuần nhuyễn với thực tiễn cách mạng Việt Nam, tìm ra con đường giành độc lập cho dân tộc. Nhưng Người tâm niệm “nước độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì”, bởi vậy, Người luôn gắn chặt độc lập của Tổ quốc với tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và suốt đời phấn đấu cho mục tiêu ấy. Đây cũng là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
|
Tình yêu thương nhân dân, yêu thương con người trong Bác còn mở rộng và đồng nghĩa với tình yêu thương dành cho các dân tộc, bị xiềng xích, bị nô dịch, cho mọi thân phận nô lệ, mọi người cần lao trên thế giới. Chúng ta biết, khi đến thăm tượng nữ thần tự do, Người không chỉ nhìn lên ánh hào quang trên đầu pho tượng, mà Người còn đặc biệt lưu tâm nhìn xuống chân tượng và biểu hiện xúc cảm của mình: “Ánh sáng trên đầu nữ thần tự do tỏa sáng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng nữ thần tự do thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ bị chà đạp, bao giờ người da đen bình đẳng với người da trắng, bao giờ phụ nữ bình đẳng với nam giới, bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc”. Tình thương yêu đó không chỉ trong tình cảm suy nghĩ, mà Người còn chỉ dẫn cho họ con đường biết tự mình vùng lên xóa bỏ áp bức, nô dịch, bất công, giành độc lập tự do và các quyền bình đẳng.
Tình yêu thương con người của Bác dành cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi lúc. Tình yêu thương đó, trước hết là dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Bác nâng niu trẻ như nâng niu búp trên cành và dành sự quan tâm đặc biệt tới các cháu, tết Trung thu Bác tặng quà cho các cháu vì “thấy các cháu không được ăn tết Bác rất áy náy” (thư gửi các cháu nhi đồng cả nước nhân dịp Trung thu năm 1947). Bác dành mọi tình cảm và tất cả sự quan tâm cho việc giáo dục và phát triển toàn diện của thiếu niên, nhi đồng, “ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Đối với người già Bác dành sự trân trọng đặc biệt, còn nhớ chuyện kể rằng, thuở cách mạng còn trứng nước, trong căn cứ mọi sinh hoạt vô cùng kham khổ, các đồng chí phục vụ cố gắng tìm thêm cho bữa ăn của Bác một quả trứng, nhưng Bác đã dành quả trứng đó cho cụ chủ nhà đã trên 80 tuổi. Sinh thời Bác thường tặng quà cho phụ lão, chăn áo cho chiến sĩ, đường sữa cho trẻ em, cho thương binh, bệnh binh… nhà thơ Tố Hữu đã hết sức đúng khi viết: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”.
Bác yêu thương, lo lắng gần gũi với nhân dân, với tấm lòng chân thực, không giả dối, mị dân. Dù bộn bề công việc, Bác vẫn dành tình yêu thương sâu sắc và nhân hậu cho mọi người, cho những người làm những công việc nặng nhọc, vất vả, các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Người đã dành toàn bộ tiền lương và tiền nhuận bút để mua nước giải khát tặng bộ đội phòng không khi biết các chiến sĩ đang trực chiến dưới trời hè oi nắng.
Tình thương yêu con người của Bác, còn thể hiện với cả những người có sai lầm khuyết điểm, nhưng đã biết nhận rõ sai lầm khuyết điểm để sửa chữa. Với Bác, vấn đề là nhận rõ sai lầm khuyết điểm đó do đâu mà có, từ đó quyết tâm sửa chữa những sai lầm khuyết điểm, đó là sự chân chính. Tuy nhiên, đối với những kẻ lũng đoạn, tham nhũng gây nên những hậu quả tai hại, phẩm chất đạo đức suy đồi, không thể cải tà quy chính, thì Bác hết sức nghiêm khắc, việc xử lý vụ Trần Dụ Châu là một minh chứng sinh động. Đối với kẻ thù bị thương, bị bắt, hay đầu hàng, Bác vô cùng nhân hậu, chúng ta còn nhớ trong Chiến dịch Biên giới năm 1950, Bác đã cởi áo khoác của mình đắp cho một tù binh Pháp bị thương đang run lên vì rét. Chính tình thương yêu đó đã đánh thức những gì tốt đẹp, những gì lương thiện, mà Bác tin rằng trong mỗi con người đều có, ở mức độ này hay mức độ khác.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta là vậy, không chỉ xuất phát từ tinh thần bác ái, từ nỗi lo toan của vị Chủ tịch nước với nhân dân, mà còn là tình thương yêu vô hạn con người với con người, đó cũng là văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Nhà sử học người Mỹ Stenson đã viết: “Hồ Chí Minh là con người bình thường sống hòa đồng trong cuộc sống của xã hội, Người thương yêu tất cả chỉ quên mình, Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng về nhân cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau”.
Di sản của Người để lại cho chúng ta trước lúc đi xa là “muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng” - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là di sản vô giá để cho chúng ta học tập, chiêm nghiệm để trong cuộc sống, trong công việc dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, công việc gì đều phải luôn tậm tâm, tận tụy, yêu thương đồng bào, đồng chí, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp xây dưng bảo vệ quê hương, đất nước.
Tô Văn Tám