TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN:
Làm theo lời Bác “Thi đua dạy tốt - học tốt”
Với phong trào thi đua dạy tốt-học tốt và đổi mới phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục của Trường THPT Trần Quốc Tuấn được nâng cao. Năm học 2013-2014, nhà trường có tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm gần 45%; 100% học sinh lớp 12 tốt nghiệp THPT, trong đó, 31,49% khá, giỏi và 68,51% trung bình.
|
Với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đăk Hà) đã vươn lên trở thành 1 trong 3 trường THPT của tỉnh đạt thành tích cao về tỷ lệ học sinh khá, giỏi và tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng hằng năm (sau Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THPT Kon Tum). Đây cũng chính là kết quả từ phong trào “Thi đua dạy tốt-học tốt” làm theo lời Bác do nhà trường phát động.
Từ 3 bước đột phá
Thầy giáo Phan Đức – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn chia sẻ: Học tập và làm theo lời Bác, nhà trường đã chủ trương mọi việc làm theo lời Bác đều phải gắn với thực tế và bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất; hướng đến mục đích cuối cùng là đẩy mạnh phong trào “Thi đua dạy tốt-học tốt”.
Bước đột phá mà Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã làm được đó là việc đổi mới phương pháp giảng dạy tương thích theo đối tượng. Cụ thể là: đối với học sinh có học lực khá, giỏi nhà trường hướng cho các em phương pháp tự học là chính; đối với học sinh yếu, kém, nhà trường chủ động trong việc đưa ra các phương pháp giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, đặc biệt là phương pháp làm mẫu.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức sàng lọc, phân chia các nhóm lớp tương đối đồng nhất về năng lực, phẩm chất để tổ chức giảng dạy: Đối với học sinh bước vào lớp 10 sẽ phân chia theo năng lực; đối với học sinh bước vào lớp 11, 12 vừa phân chia theo năng lực vừa theo nguyện vọng của các em. Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng lại chương trình giảng dạy (trên cơ sở chương trình giảng dạy của Bộ GD-ĐT) cho phù hợp theo từng nhóm đối tượng học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng đã phân công giáo viên giảng dạy phù hợp theo sở trường và năng lực của học sinh (thông qua việc tăng cường dự giờ giáo viên).
“Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua xây dựng mô hình lớp học thân thiện tại mỗi lớp học; giao cho giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, giúp đỡ học sinh chậm tiến bộ để các em vượt qua hoàn cảnh vươn lên; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các hội thi (Quả cầu vàng, Tài năng trẻ…), giúp các em học sinh vừa học vừa rèn luyện kỹ năng sống, đúng như lời Bác Hồ căn dặn trong Di chúc của Người là phải quan tâm, bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”” - thầy giáo Phan Đức cho biết.
Từ thực tiễn yêu cầu của việc dạy học, đến nay, 70 giáo viên của trường đều đạt chuẩn, trong đó 14 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 36 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh
Đạt học lực trung bình nên khi bước vào lớp 10 Trường THPT Trần Quốc Tuấn, em Phạm Thị Tươi (học sinh lớp 10B7) cảm thấy áp lực vì sợ bước vào môi trường học tập mới em sẽ không theo kịp bạn bè. Vậy mà, chỉ sau tuần đầu tiên, em Tươi đã rất hứng thú với việc học.
Tươi chia sẻ: Phương pháp truyền đạt kiến thức của các thầy cô giáo giúp chúng em dễ hiểu, dễ hình dung, dễ tiếp thu bài; điển hình là phương pháp vấn đáp, giáo viên đưa ra những câu hỏi ở dạng tái hiện kiến thức hoặc phương pháp gợi dẫn của giáo viên để học sinh trả lời câu hỏi…
Cách đây 3 năm – sau khi về trường giảng dạy môn Văn – thầy giáo Vũ Ngọc Đức cũng cảm thấy hết sức lo lắng vì khi ấy cũng là năm đầu tiên nhà trường áp dụng phương pháp giảng dạy mới. Thế nhưng, qua thực tiễn giảng dạy, thầy giáo Vũ Ngọc Đức đã nhận thấy được phương pháp mới này mang nhiều ưu điểm, nhờ phân nhóm đối tượng học sinh giúp giáo viên xác định được phương pháp giảng dạy phù hợp với năng lực học sinh, để từ đó giúp học sinh tiến bộ hơn trong học tập.
Không còn cách truyền đạt kiến thức kiểu cào bằng, đối tượng học sinh trung bình - yếu, thầy giáo Vũ Ngọc Đức đã lựa chọn nội dung dạy học theo hướng cụ thể, đơn giản, trọng điểm, vừa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, vừa đáp ứng được trình độ tư duy của đối tượng học sinh.
Thầy Đức còn lựa chọn một số biện pháp, cách thức dạy học phù hợp như: vấn đáp – đàm thoại; tăng cường tính cụ thể, trực quan cho bài dạy; sử dụng các câu hỏi tái hiện, thông hiểu cho học sinh…
Đối với đối tượng học sinh khá - giỏi, thầy Đức vận dụng linh hoạt các biện pháp, phương pháp dạy học theo hướng phát huy tư duy và năng lực sáng tạo cho học sinh như: phương pháp nêu và giải quyết vấn đề hoặc phương pháp đóng vai, thảo luận nhóm, dạy học theo bài tập dự án…
Với phong trào thi đua dạy tốt-học tốt và đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều năm học liền chất lượng giáo dục của Trường THPT Trần Quốc Tuấn được nâng cao.
Nếu như năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường chiếm 38,57%; tỷ lệ học sinh yếu, kém chiếm hơn 15% thì năm học 2013-2014 tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm gần 45%; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm còn 9,8%.
Kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT của nhà trường cũng được nâng lên rõ rệt: từ 20,4% khá, giỏi và 79,6% trung bình (năm học 2010-2011) lên 31,49% khá, giỏi và 68,51% trung bình (năm học 2013-2014).
Tú Quyên