Già làng A Phơl thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ
Do tuổi cao, nhiều lần già A Phơl xin thôi làm già làng, nhường lại cho người khác nhưng bà con dân làng Kon Tu 2, xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) vẫn không đồng ý, bởi uy tín và những việc làm đầy trách nhiệm của già đã được dân làng yêu mến, cảm phục.
Cây cao bóng cả
Chúng tôi ghé thăm nhà già làng A Phơl đã quá trưa. Bà Y Hyưi - vợ già A Phơl cho biết già đi rẫy từ sớm (rẫy nằm cách làng khoảng 2km), có khi đến tối mới về, có hôm ông ngủ lại trên rẫy.
Nghe chúng tôi trình bày, muốn gặp già làng theo sự giới thiệu của Đảng ủy xã Đăk Blà để viết về tấm gương điển hình trong học tập và làm theo lời Bác Hồ, bà Y Hyưi đã đưa chúng tôi men theo con đường làng lên rẫy tìm gặp ông.
Vừa đi bà Y Hyưi vừa kể về già A Phơl với niềm tự hào: Tuy đã bước sang tuổi 78 nhưng ông ấy vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông ấy bảo, bà con dân làng bầu làm già làng nên mình phải gương mẫu; nói phải đi đôi với làm thì bà con mới tin và làm theo. Bởi vậy, từ việc nuôi dạy con cái đến làm kinh tế gia đình, ông đều là tấm gương mẫu mực…
Bà Y Hyưi cho biết thêm, ngày còn là thanh niên, ông A Phơl đã nổi tiếng siêng năng, chăm chỉ ở trong làng. Lấy vợ về, ông gánh vác hết việc nương rẫy. Trong làng trước đây chưa có ai trồng cao su, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng cả héc ta. Quyết không để cái nghèo đeo bám và để có điều kiện cho con được học hành, vừa trồng cao su, ông còn trồng mì, lúa rẫy, lúa ruộng… Gia đình chưa bao giờ thiếu ăn, 2 đứa con gái cũng nhờ đó mà đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum…
Câu chuyện của bà Y Hyưi khiến quãng đường lên rẫy như được rút ngắn lại. Trước mắt chúng tôi, một ngôi nhà sàn còn khá mới được xây dựng trên một khu đất cao, xung quanh được trồng hàng trăm gốc chuối sứ và các loại cây ăn trái như xoài, nhãn, mít bao phủ một màu xanh mát mắt, mà theo bà Y Hyưi khu vực này trước đây dân làng chỉ trồng toàn là lúa rẫy…
Nghe tiếng bà Y Hyưi gọi, già A Phơl ngừng tay cắt cỏ cho đàn bò, ra mở cổng. Nhìn khu vườn được dọn dẹp khá sạch sẽ, tôi phần nào hiểu được sự siêng năng, chăm chỉ của già A Phơl.
Mời khách lên nhà sàn uống nước, già A Phơl khoe với chúng tôi: Căn nhà sàn này vừa được già xây dựng hồi năm ngoái sau mấy năm tích góp dành dụm từ chăn nuôi bò. Trước đây, còn sức khỏe thì còn trồng cao su, trồng mì, bây giờ, già rồi nên chia hết cho con cái; vợ chồng già chỉ giữ lại 3 sào trồng lúa nước 2 vụ để đảm bảo cái ăn và 3 sào lúa rẫy mới được chuyển đổi sang trồng chuối sứ kết hợp với trồng cỏ chăn nuôi bò.
"Nhiều lúc con cái cũng ngăn cản nhưng già nghĩ còn lao động được thì cứ làm việc và quan trọng hơn là để bà con dân làng nhìn vào đó mà học hỏi và làm theo" – già A Phơl chia sẻ.
Nói về việc lựa chọn mô hình trồng chuối để chuyển đổi, già A Phơl cho biết, sở dĩ già chọn chuyển đổi sang loại cây trồng này vì hiện nay già nhận thấy nhu cầu thu mua chuối ngoài thị trường rất lớn; đây cũng là loại cây ít phải đầu tư chăm sóc (chỉ bón phân chuồng), thời gian cho thu hoạch cũng dài (ít nhất là 3 năm mới đầu tư trở lại) nên rất phù hợp với những gia đình neo người, không có nhiều sức lao động. Từ 3 sào lúa ruộng 2 vụ, 3 sào chuối và đàn bò 5 con, cuộc sống của vợ chồng già A Phơl cũng khá giả, không phải nương nhờ con cháu.
Tấm gương của già A Phơl chăm chỉ, siêng năng trong làm ăn phát triển kinh tế gia đình nhiều năm nay đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ở làng Kon Tu 2. Cũng nhờ theo gương già mà thanh niên trong làng ai nấy đều chí thú làm ăn.
Với vai trò già làng, già A Phơl đã tích cực tuyên truyền, vận động người khá, giàu giúp đỡ, hướng dẫn người nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, chỉ riêng năm 2016, thôn Kon Tu 2 đã giảm 15 hộ nghèo. Hiện tại, thôn Kon Tu 2 chỉ còn 30 hộ nghèo, trong đó 24 hộ người Ba Na (đa phần mới tách hộ lập vườn).
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
Già làng A Phơl còn là người rất am hiểu về phong tục tập quán và nét văn hóa của đồng bào Ba Na, vì vậy đã có nhiều đóng góp công sức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na.
|
Cơn bão số 9/2009 khiến nhà rông của làng bị sập hoàn toàn. Làm lại nhà rông mới những tưởng sẽ là khó khăn với dân làng Kon Tu 2, bởi đây là thôn chỉ có 1/3 dân số là đồng bào Ba Na (còn lại là người Kinh). Thế nhưng, chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016), cùng với việc làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền giữa già làng, bí thư chi bộ, thôn trưởng và các đoàn thể của thôn, bà con người Kinh và Ba Na nơi đây đã cùng nhau góp công sức, tiền bạc để làm lại nhà rông của thôn làng - thay vì làm nhà văn hóa thôn với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Già A Phơl vui mừng: Với sự đồng thuận trong bà con nên không khó để vận động cùng tham gia góp tiền, góp công để xây dựng nhà rông. Bà con trong thôn đã thống nhất mỗi hộ gia đình có lao động phân công 1 người khỏe nhất để tham gia khai thác vật liệu; hộ nào không có điều kiện đi rừng được cùng bà con trong thôn thì phải đóng góp số tiền tương ứng với những ngày công lên rừng để tạo sự công bằng.
Về kinh phí, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng chân trên địa bàn, thôn vận động mỗi hộ gia đình người Kinh đóng góp 500.000 đồng; vận động đảng viên đóng góp thêm với tinh thần mỗi gia đình đảng viên phải là hộ gia đình gương mẫu đi đầu. Có thể nói đây là công trình huy động sức dân đóng góp lớn nhất từ trước đến nay trong thôn với tổng số tiền 226/326 triệu đồng.
Gần 2 tháng bắt đầu khởi công đến khi hoàn thành công trình, già A Phơl lúc nào cũng là người đến nhà rông sớm nhất, về muộn nhất để quán xuyến mọi việc. Nhà rông làng Kon Tu 2 được thiết kế nguyên mẫu theo kiểu nhà rông truyền thống của người Ba Na, mái lợp bằng tranh.
Điều đặc biệt hơn, trong lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới của làng, già A Phơl còn nhận được nhiều lời khen ngợi từ các cấp chính quyền địa phương bởi già là người đầu tiên đã vận động và tổ chức cho dân làng tiến hành nghi lễ đâm trâu cúng Yàng mừng nhà rông mới theo hình thức tượng trưng (chỉ dùng giáo mác để làm động tác tượng trưng), tránh những hình ảnh phản cảm đối với người xem nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của lễ hội đâm trâu của người Ba Na.
Già A Phơl hiện vừa là người đánh chiêng giỏi, vừa biết chỉnh chiêng và chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của người Ba Na như ting ning, tơ rưng. Vào tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần, bà con dân làng Kon Tu 2 đã quen với việc tập trung tại nhà rông để được già A Phơl chỉ dạy cách đánh cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống.
|
Nhờ duy trì việc làm này mà đến nay, làng Kon Tu 2 đã thành lập được 2 đội cồng chiêng (1 đội cồng chiêng người lớn, 1 đội cồng chiêng thiếu nhi), thường xuyên được chọn tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa cấp thành phố, cấp tỉnh. Nhiều người trẻ trong làng cũng đã học được ở già A Phơl việc chế tạo các nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ba Na…
Điều đặc biệt, trong các lễ hội của làng, bà con người Kinh cũng như người Ba Na nơi đây đều có mặt đông đủ ở nhà rông, mọi người cùng chung lo các hoạt động của làng, cùng nhau nối vòng xoang nhảy múa theo nhịp điệu cồng chiêng.
Già làng A Phơl cho biết, già sẽ luôn cố gắng cùng với ban nhân dân thôn, chi bộ và các đoàn thể của thôn vận động bà con người Kinh cũng như người Ba Na trong thôn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng thôn làng ngày càng phát triển, đó cũng là cách để thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Ja Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Tú Quyên