Chị Y Hiệp - Người uy tín ở làng Đăk Mế
16 năm là cộng tác viên dân số - y tế thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc hồi), chị Y Hiệp (1982) luôn tích cực vận động bà con đồng bào Brâu nơi đây không ngừng nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Ở khu dân cư, người phụ nữ trẻ tuổi này còn được bầu chọn là người uy tín, bởi có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.
Tháng 12/2017, chị Y Hiệp được lựa chọn là đại biểu tiêu biểu của người Brâu được đi tham dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc năm 2017.
Lần đầu tiên được ra Hà Nội, được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích “người có uy tín đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS” chị Y Hiệp vui lắm.
Chị Y Hiệp là con gái của bà Y Pan, hiện là già làng và cũng là người có uy tín ở làng Đăk Mế. Bà Y Pan trước đây cũng như bây giờ luôn được nhiều người biết đến là người có vai trò to lớn trong việc vận động, tuyên truyền bà con đồng bào Brâu xây dựng khối đại đoàn kết, phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Học theo tấm gương của mẹ và với mong muốn được dân làng tin yêu, quý mến, sau khi trở thành cộng tác viên dân số - y tế thôn (từ năm 2003), chị Y Hiệp luôn phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc vận động, tuyên truyền đồng bào Brâu loại bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
|
Thôn trưởng Thao Lợi nhớ lại: Ngày trước, người Brâu ở làng Đăk Mế chưa biết cách phòng tránh và ngăn ngừa dịch bệnh; khi ốm đau, không ai đi khám bệnh mà chỉ cúng gà, heo để cầu mong được khỏi bệnh; phụ nữ khi đến kỳ sinh nở đều nhờ bà mụ đỡ đẻ; nhiều gia đình còn mổ trâu để cúng Yàng cầu xin đẻ con gái (người Brâu quý con gái nên lấy họ cho con gái là “Nàng” có nghĩa là “cưng chiều”)…
Từ khi trở thành cộng tác viên dân số - y tế thôn, vào mùng 10 hàng tháng, cả thôn tổ chức chào cờ tại nhà rông, Y Hiệp đã phối hợp với bí thư chi bộ và thôn trưởng lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con nhân dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đau bệnh phải lên trạm y tế để khám sức khỏe; phụ nữ mang thai phải đi khám định kỳ, trẻ em trong độ tuổi phải tiêm phòng vắc xin để tránh bệnh tật…
Những gia đình chưa nghe theo, Y Hiệp đã chịu khó “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động. Với khả năng truyền đạt và sự chân tình, Y Hiệp đã thuyết phục được các gia đình thay đổi thói quen, thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng và ngày càng được bà con dân làng tin yêu quý mến. Cùng với mẹ của mình là bà Y Pan, năm 2017, Y Hiệp cũng được bầu là người uy tín ở làng Brâu - Thôn trưởng Thao Lợi cho biết.
Điều phấn khởi ở làng Brâu bây giờ là đến nay, 100% phụ nữ trong thôn khi mang thai và trẻ em trong độ tuổi đều tiêm vắc xin đầy đủ. Phụ nữ khi sinh con đều được gia đình đưa đến trạm y tế. Nhiều gia đình đã biết sử dụng các biện pháp tránh thai để giữ khoảng cách giữa các lần sinh đẻ, có thời gian chăm sóc sức khỏe cho người mẹ, cũng như giáo dục và nuôi dưỡng con mình được tốt hơn.
Không chỉ làm tốt vai trò, trách nhiệm của một cộng tác viên dân số - y tế thôn, ở làng Đăk Mế, chị Y Hiệp còn đi đầu trong các phong trào ở khu dân cư, đặc biệt là phát triển kinh tế gia đình.
Lập gia đình từ năm 2002, được mẹ cho một ít đất đai để canh tác, chị Y Hiệp cùng chồng là anh Đinh Văn Hạnh (người Mường từ miền Bắc vào đây lập nghiệp) tập trung canh tác mì, cà phê để xóa đói giảm nghèo.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình chị vừa chăn nuôi và kết hợp trồng các loại cây trồng ngắn ngày để đảm bảo đời sống, vừa đầu tư phát triển cây công nghiệp dài ngày để vươn lên làm giàu và mở rộng sản xuất; hằng năm tích góp được ít vốn, chị Y Hiệp bàn với chồng mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng cà phê, góp phần tăng thêm thu nhập. Đến nay, vợ chồng chị Y Hiệp đã trồng được 3ha cà phê, trong đó 1ha đã cho thu hoạch.
Bên cạnh đó, vợ chồng chị Y Hiệp còn chịu khó học hỏi các hộ gia đình người Kinh sống trong xã thử nghiệm thành công mô hình nuôi nhím, nuôi dúi. Thời điểm cao điểm, chuồng trại chăn nuôi của vợ chồng chị Y Hiệp có đến cả trăm con dúi, con nhím. Với mức thu nhập trung bình gần 100 triệu đồng/năm, năm 2016, vợ chồng chị Y Hiệp đã tích góp được 500 triệu đồng để xây dựng được căn nhà khang trang.
Chị Y Hiệp cho biết, tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng sẽ là động lực giúp bản thân chị tiếp tục cố gắng hơn nữa để làm những việc có ích cho xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng có cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại hơn, đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn trong Di chúc của mình là phải luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống bà con, nhất là người nghèo.
Bài, ảnh: Sông Côn - Tất Thành