Bác Hồ viết di chúc
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc vô cùng quý báu. Di chúc được đồng chí Bí thư thứ nhất- Lê Duẩn công bố tại lễ tang của Người ngày 9/9/1969 và đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Theo tài liệu, tư liệu, hồi ký của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức viết Di chúc ngày 15/5/1965 nhân dịp mừng thọ tuổi 75. Bác viết chỉ gói gọn trong 3 trang. Đây là bản di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ. Bác còn cẩn thận dặn mọi người trong dấu ngoặc kép “Tuyệt đối bí mật”.
Có nhiều thay đổi trong Di chúc Bác viết tùy theo tình hình thời cuộc. Chẳng hạn năm 1966, Bác thêm phần phê bình, tự phê bình trong Đảng và nhấn mạnh “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại di chúc nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm 6 trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản di chúc năm 1965 và viết thêm một số đoạn nữa. Đó là những đoạn nói về công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại các thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước. Trong đó, đoạn viết về chỉnh đốn lại Đảng và chăm sóc đối với thương binh, Bác viết rồi lại gạch chéo; đoạn nói về xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, chuẩn bị thống nhất đất nước, Bác gạch dọc ở bên trái ngoài lề. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19/5/1969 Bác sửa bản Di chúc lần cuối.
Tiến sĩ Chu Đức Tính- nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp thêm, đêm mùng 2/9/1969 ông Vũ Kỳ mang nộp cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Thủ tướng trả lời: Đây là việc hệ trọng, một mình tôi không thể nhận, 6 giờ sáng mai Bộ Chính trị họp, đồng chí đi cùng tôi sang đó và tự tay nộp cho Bộ Chính trị.
|
Bác đã dự cảm và viết Di chúc bằng tình yêu thương và trách nhiệm cao: “Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.
Ngay cả việc có ý định chuẩn bị đi thăm đồng bào miền Nam, Bác cũng chuẩn bị rất kỹ. Đối với Bác, “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Lời Bác thiết tha với tấm lòng thương nhớ miền Nam vô hạn. Từ thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc, Bác đêm ngày nghĩ đến miền Nam đi trước, về sau, đau thương mà anh dũng. Giữa những ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt, Bác tha thiết đề nghị Bộ Chính trị để Bác vào miền Nam thăm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Nhưng sức khỏe của Bác không thể đi xa được, Bác lại đề nghị: “Đường xa không vào Nam Bộ thì tôi vào Khu 5 cũng được”. Một ngày tháng 3/1968, Bác đã gửi thư cho đồng chí Lê Duẩn trao đổi về cách đi vào Nam bằng đường thủy trên một con tàu, nhưng Bác không thực hiện đươc ý định của mình...
Ngày 10/5/1969, Bác tiếp tục viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Bác bổ sung đoạn “về việc riêng”, bản viết năm 1965 Bác dặn dò về việc tang và viết về hỏa táng, dặn để lại một phần tro xương cho miền Nam. Năm 1968, Bác viết lại đoạn này, dặn để tro vào ba hộp sành, cho Bắc, Trung, Nam, mỗi miền một hộp. Ngoài ra còn viết bổ sung một đoạn nói về cuộc đời của bản thân Bác: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của người dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện đến viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác lời Bác dặn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969- ngày Quốc khánh của nước ta. Có một điều rất lạ không ai giải thích được, đó là trời thủ đô Hà Nội nhiều năm bước vào dịp 2/9 thường khô hanh, râm mát, nhưng riêng năm 1969, từ sáng sớm mùng 2 (ngày Bác mất) cho đến hết ngày mùng 9 (ngày tổ chức lễ tang) trời mưa dầm không ngớt, khiến nhà thơ Tố Hữu đã phải “khóc” trong bài thơ Bác ơi “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng, trong sáng và đẹp đẽ.
Trong Điếu văn đọc tại lễ tang của Người tại thủ đô Hà Nội, thay mặt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng- Lê Duẩn đã hứa với Bác 5 lời thề thiêng liêng trước anh linh của Người. Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, chúng ta tự hào kính thưa với Bác tất cả những điều Bác dặn trong Di chúc đã được thực hiện thành công.
“…Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta. Người là tượng trưng cho tinh hoa dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử…”- lời điếu do đồng chí Lê Duẩn đọc tại lễ tang…
Võ Năng Nhẫn