Bác Hồ trong trái tim nhân loại
Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc Việt Nam.
Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. Bác Hồ ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ trong lòng nhân dân ta mà cả trong trái tim nhân loại tiến bộ trên thế giới.
Năm 2019, nhân dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc là văn kiện cuối cùng khép lại cuộc đời hoạt động oanh liệt của Người.
Hơn 50 năm - nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chí Minh từ biệt thế giới này để trở về với cõi vĩnh hằng, nhưng Người còn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam, sống mãi với bạn bè quốc tế và trái tim nhân loại, bởi vì cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, kết tinh những tư tưởng, tình cảm, những ước mơ lớn của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng và suốt đời vun đắp cho tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Việt Nam với bè bạn năm châu. Hoạt động không mệt mỏi của Người cho sự đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc đã có hiệu quả thiết thực. Từ rất sớm, Người đã được coi như một biểu tượng cao đẹp của đoàn kết quốc tế.
|
Còn nhớ, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau khi long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm công bố chính sách đối ngoại nhất quán của nhà nước Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với ai...”.
Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã có Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách “Anh hùng giải phóng dân tôc, nhà văn hóa kiệt xuất” đã khẳng định Bác Hồ là một hiện tượng xuất chúng, đã “cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”; đã có “đóng góp quan trọng về nhiều mặt trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật”. UNESCO cũng ghi nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kiệt xuất đã có dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và kêu gọi các quốc gia cùng tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động tưởng niệm khác nhau trong năm 1990. Nghị quyết đã thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, đặc biệt ở các dân tộc thuộc địa, đồng thời tôn vinh, đề cao lý tưởng cao đẹp, giá trị nhân văn sâu sắc và khát vọng của Người về việc thế giới hòa bình, bình đẳng và hạnh phúc.
Đồng cảm với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Nhật Bản M. Haxeegaoa đã đánh giá: “Những lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được thực hiện ở bất cứ nơi nào trên trái đất”.
Nikita Khơ Rút Xốp, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô trong hồi kí của mình đã coi Hồ Chí Minh là “vị thánh cách mạng, vị thánh của chủ nghĩa cộng sản”. Ông giải thích: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người, nhưng không có người nào gây được ở tôi một ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Không ai có thể chống lại nổi ông vì niềm tin của ông mãnh liệt, tin ở nhân dân mình và tất cả các dân tộc cũng như ở sự nghiệp cao cả”.
Nhà nghiên cứu, nhà văn Helene Tourmaire trong cuốn sách Trở thành người Bác như thế nào? xuất bản tại Berlin, Đức, đánh giá: “Hồ Chí Minh là hình ảnh sự khôn ngoan của Đức phật, lòng nhân từ của Chúa, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lênin, sự ung dung của một người chủ dân tộc. Tất cả được kết hợp hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên”.
Một đoàn đại biểu cấp cao đến từ Úc vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch, đã ghi vào Sổ cảm tưởng những dòng rất sâu sắc: “Rất ít người đã hoặc sẽ làm được như Người, nhưng ai cũng có thể học được ở Người... để làm người cách mạng và người dân tốt hơn”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết hiện đã có các nước như Nga, Mông Cổ, Triều Tiên, Mexico, Cuba đặt tên trường học mang tên Bác. Ngoài ra, trên thế giới cũng đã có gần 20 con đường, đại lộ mang tên Bác tại các nước Pháp, Nga, Ấn Độ, Angola...
Ðúng như lời phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Romet Chandra: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Võ Năng Nhẫn