Sông Thanh nơi Cổng trời
Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương” nên dù phải đối mặt với bao vất vả, khó khăn, nhưng những người lính Đồn Biên phòng Sông Thanh (Đồn 663) nơi Cổng trời Đăk Blô (Đăk Glei) luôn vững tin, vững tay súng bảo vệ, gìn giữ sự bình yên nơi biên cương của Tổ quốc…
Nhọc nhằn đường lên biên giới
Cuối tháng 11, tiết trời ở thành phố Kon Tum nắng đẹp. Chiếc xe chúng tôi bon bon từ thành phố Kon Tum đến Đăk Glei. Đến trung tâm huyện trời vẫn trong xanh, những tưởng chuyến đi sẽ thuận lợi, ấy vậy, mới qua xã Đăk Nhoong vài ki lô mét, thời tiết thay đổi hẳn. Mây mù, mưa rả rích không ngớt, cộng theo cơn gió lạnh thổi ù ù khiến tôi cảm nhận cái lạnh đến tê người.
Sau chặng đường dài, đến Đồn Biên phòng Đăk Blô (Đồn 665), chúng tôi nghỉ chân uống ly nước trà nóng để tiếp tục cuộc hành trình đến Đồn Biên phòng Sông Thanh. Tại đây, một chiến sĩ chỉ ngọn núi phía sau Đồn giới thiệu với chúng tôi: Vùng đất này cao hơn mặt nước biển khoảng 1.800m, còn ngọn núi Pêng Ơi, còn được gọi là núi Cơm kia thì với tay lên là đụng trời thôi. Rồi anh tiếp tục chỉ một con dốc mờ trong sương mưa gọi là Pêng Hu - dốc Cổng Trời. Đồn Sông Thanh cũng nằm trên địa bàn xã Đăk Blô, nhưng phải đi qua Cổng Trời, ẩn dưới núi Pêng Ay kia, cách Đồn 665 gần 30km, giáp với biên giới nước bạn Lào.
Rời Đồn 665, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đến Đồn Biên phòng Sông Thanh. Chiếc xe của chúng tôi chỉ đến được Trạm Biên phòng trực thuộc Đồn Sông Thanh. Từ Trạm này chúng tôi bắt đầu lội bộ gần 20km vào Đồn Biên phòng Sông Thanh dưới cơn mưa rừng, gió lạnh.
|
Đường vào thật khó. Men theo con đường giữa rừng dưới cơn mưa rả rích, không gian tĩnh mịch, thỉnh thoảng chúng tôi lại thấy những điểm sạt lở đất đá xuống mặt đường, cây đổ ngã chắn bít ngang đường. Nước từ trong vách núi chảy rả rích biến lòng đường thành suối. Đi được vài ki lô mét, chúng tôi gặp đoạn đường bê tông đang xây dựng nhưng vì mưa không ngớt nên không thể thi công, máy móc nằm “đắp chiếu” dọc đường.
Chiều ở rừng, đêm xuống nhanh. Cái lạnh từ rừng ùa đến nhanh, tê tái. Hết đoạn đường bê tông, chúng tôi dò dẫm hết mấy con dốc bùn lầy, đất nhão. Vì không có đường nên chúng tôi phải tìm, trèo, lần qua vách, khe núi vượt qua mấy quả đồi, vách núi đứng. Sau khi vượt qua mấy con dốc đứng, chúng tôi lại men theo con đường mòn giữa rừng, rồi tiếp tục mò lội qua 2 con suối nước ngang đầu gối chảy ầm ầm.
Chưa hết, sau khi vượt qua 2 con suối, chúng tôi lại tiếp tục phải băng qua 2 con dốc trơn trượt, đến 19h tối, chúng tôi mới đến được Đồn Biên phòng Sông Thanh. Thay chiếc quần ướt, 3 con vắt no máu từ chân rơi ra đất…
Gần 4 tiếng đồng hồ vượt qua chặng đường gian khó, chúng tôi ai cũng thấm mệt nhưng khi vừa đến cổng, nhìn những gương mặt hồ hởi của những chiến sĩ Biên phòng đón chào chúng tôi như người thân, ai nấy tươi tỉnh hẳn lên…
Nhìn chúng tôi người lấm lem, quần áo ướt sũng, Thượng tá Võ Thanh Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Sông Thanh nói: Các anh lội quãng đường đó vào đến đây mà vẫn giữ được đôi giày trong chân là tốt rồi. Nhiều lần chúng tôi đi lại trên quãng đường này gặp phải bùn lầy mất luôn cả giày dép…
Gian nan đường đi là vậy nên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh mong mỏi con đường vào Đồn sớm được hoàn thành.
Tâm sự người lính
Đêm biên cương tĩnh mịch. Tiếng mưa rơi tí tách, tiếng gió thổi ù ù. Chúng tôi cùng các chiến sĩ Biên phòng Sông Thanh ngồi bên bếp lửa bập bùng nhâm nhi chén trà nóng tâm sự, hàn huyên. Các anh bảo rằng, chúng tôi là đoàn khách thứ 2 từ đầu năm đến nay (ngoại trừ đoàn của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh) vào thăm đồn. Vì vậy, thấy chúng tôi đến, ai nấy xúc động, mừng lắm.
Thượng tá Sơn dí dỏm: Mây, mưa, sương, vắt với ruồi vàng là “đặc sản” ở đây. Mưa lê thê mỗi năm gần 9 tháng. Từ tháng 3 đến đầu tháng 6 là nắng. Có năm mưa mãi, có khi hơn 3 tháng anh em không thấy mặt trời. Quần áo mấy ngày mới khô nổi. Mưa thì vắt, nắng một tí thì ruồi vàng bay ra cắn sưng mặt mày, chân tay. 3 tháng nắng, cán bộ, chiến sĩ phải tranh thủ tìm củi phơi khô, trữ để nấu dần. Củi ướt, anh em đành ăn cơm nhão, cơm "tám rưỡi" ăn vào thành "chín".
“Đó là trước đây vài tháng, giờ điện mới kéo về đến đồn nên không còn cảnh phải ăn cơm “tám rưỡi” nữa”- Thượng tá Sơn nói thêm.
Không chỉ vậy, vì đường sá khó khăn, xe không thể vào tận Đồn nên cứ 2 ngày các chiến sĩ lại phải vượt quãng đường gần 20km ra trạm để cõng lương thực. Mỗi lần như vậy, cả đi cả về cũng mất cả ngày đường… "Dù quen đường nhưng mỗi lần ra cõng lương thực gần như đều có người trượt té, cắm mặt xuống đất là chuyện thường" - chiến sĩ A Nguội cho biết.
“Mưa liên tục, anh em trong Đồn nhớ nắng như nhớ mẹ - A Nguội hóm hỉnh - Bọn em nhìn mưa là nhớ nắng, nhớ người dân... Đồn cách xa dân đến 30km, mỗi lần được phép là tụi em ra ngoài xã nhìn… nắng và trò chuyện với bà con cho đỡ nhớ, đỡ thèm rồi về. Có hôm, bà con quý mang rượu cần ra uống nhưng không ai dám vít cần, quãng đường xa thế, khó khăn thế uống vào sao về Đồn được”.
Mưa dầm suốt ngày nên rau xanh không phát triển. Vì vậy, sản xuất tăng gia thường được chiến sĩ Biên phòng Sông Thanh thực hiện trong 3 tháng nắng và cũng chỉ chọn loại rau củ phù hợp, dễ sống như rau cải, bí đao, bí đỏ, rau lang… Sau đó, rau thì muối, bí thì chất vào kho ăn dần, đảm bảo cho cả Đồn dùng quanh năm.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Đồn trưởng kể: Hàng tháng, chỉ huy Đồn ít nhất lội bộ từ 1-2 lần để về Bộ Chỉ huy, hoặc ra huyện họp. Mỗi lần đi biết là quần áo sẽ ướt nên phải gửi 2 bộ quân phục ở dưới tỉnh, huyện để về mặc đi họp, chứ không thể mang theo được.
Anh Dũng cho biết thêm, ảnh hưởng cơn bão 12 vừa qua, lũ về mạnh cuốn mất 4 con bò, 13 con heo và cả tấn cá nuôi. Ngoài ra, mưa lũ còn làm hư hỏng toàn bộ đường ống nước tự chảy của đơn vị và làm tốc mái nhà chỉ huy, nhà hội trường, nhà bếp với khoảng 60m2 mái…
Biên giới là quê hương
Đồn Biên phòng Sông Thanh được giao quản lý hơn 16km đường biên giới giáp với bản Đăk Ba (huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào). Đồn quản lý 8 cột mốc, cột mốc gần nhất đi bộ khoảng 3 tiếng, còn cột mốc xa nhất đi bộ khoảng 6 tiếng; trong khi đó, điều kiện khí hậu thời tiết rất khó khăn. Đã vậy, cho đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ duy nhất địa phận Đồn quản lý là chưa có đường tuần tra biên giới.
|
Để bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, hàng ngày, cán bộ chiến sĩ thay nhau băng rừng, vượt núi đi tuần tra dọc đường biên. Mỗi lần đi tuần là mất khoảng nửa tháng. Cứ thế, họ thay phiên nhau thường xuyên có mặt trên đường biên.
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Mỗi khi đi tuần tra, chúng tôi chuẩn bị đầy đủ quân tư trang cũng như lương thực. Tối thì dựng trại, mắc võng ngủ giữa rừng. Chuyện ăn ngủ ở rừng, giữa cơn mưa rừng rả rích với các chiến sĩ Biên phòng chúng tôi đã quá quen rồi. Biết là vất vả nhưng chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, miễn là làm sao hoàn tốt nhiệm vụ được giao.
Không chỉ thường xuyên tổ chức tuần tra, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Thanh còn phối hợp với lực lượng Biên phòng nước bạn tổ chức tuần tra, gìn giữ bình yên nơi biên cương. Đồn còn phối hợp, ký kết với các hộ dân ở khu vực biên giới cùng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới.
“Đồn đã ký kết với 16 hộ dân ở thôn Đăk Book (xã Đăk Blô) làm nhiệm vụ bảo vệ cột mốc đường biên. 16 hộ này cũng nhận giao khoán bảo vệ rừng ở khu vực có cột mốc” - Thượng tá Võ Thanh Sơn cho biết.
Chia tay các anh trong cơn mưa chiều tầm tã nơi Cổng trời. Những cái vẫy tay chào tạm biệt, những nụ cười nồng ấm kèm theo lời hẹn ngày tái ngộ… 20km đường rừng như ngắn lại…
Văn Phương