• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
Triển khai nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội tháng 5    Sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng Lễ Phật đản 2025    Quốc hội sẽ quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực    Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV   

Ghi chép - Phóng sự

Phiên chợ yêu thương

13/01/2025 06:01

Ở phiên chợ yêu thương do Trường TH - THCS Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) tổ chức, cả người bán, người mua đều được góp sức làm việc ý nghĩa. Trong niềm vui chung ấy, các em học sinh khó khăn trong trường lại cảm thấy ấm lòng vì nay mai, từ nguồn quỹ bán được ở phiên chợ, các em sẽ được nhà trường hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, san sẻ nỗi lo và các chi phí khi chẳng may ốm đau.

Ngày thứ 7 cuối cùng của năm 2024 với Trường TH-THCS Đoàn Kết thật đặc biệt. Các phòng học im ắng, không văng vẳng tiếng giảng bài như mọi ngày. Tất cả như nhường chỗ cho sự rộn ràng, náo nhiệt với hoạt động ngoại khóa ý nghĩa diễn ra dưới sân trường. Hôm ấy, lần đầu tiên thầy cô giáo và học sinh toàn trường cùng nhau tổ chức phiên chợ yêu thương.

Không gian rộng rãi của sân trường nhanh chóng được lấp đầy bởi các gian hàng đã được chính tay các em học sinh chuẩn bị, trang trí đẹp mắt. Nhộn nhịp, nô nức, náo nhiệt, các em học sinh cùng thầy cô giáo và các bậc phụ huynh “vào vai” những tiểu thương thực thụ, bày bán những mặt hàng cây nhà lá vườn, những món ăn, thức uống tự tay làm nên.

Phiên chợ rộn ràng. Ảnh: H.T

 

Theo kế hoạch, 7h30 phiên chợ bắt đầu, song từ sáng sớm, tất cả giáo viên, học sinh và nhiều phụ huynh đã có mặt, mỗi người một việc để chuẩn bị cho phiên chợ đặc biệt. Người sắp xếp, người bày biện, người kê dọn, chỉ trong phút chốc, các gian hàng được dựng nên thật đẹp mắt, dễ dàng cho người mua nhìn thấy và chọn lựa các mặt hàng.

Cô giáo Đào Thị Ngọc Hân - giáo viên chủ nhiệm lớp 9B cho biết, nói thì đơn giản nhưng để chuẩn bị được gian hàng, cô cùng phụ huynh và các em học sinh trong lớp đã mất hơn 1 tuần lễ. “Với tinh thần “nhà có gì góp nấy”, các em học sinh đăng ký sản phẩm mình có thể mang lên để bán tại phiên chợ. Song song với việc chuẩn bị các mặt hàng khô, tối hôm trước khi diễn ra phiên chợ, chúng tôi bắt đầu tập kết, soạn các mặt hàng rau, củ sẵn sàng để kịp mang lên đúng giờ. Hoạt động được phụ huynh đồng thuận cao nên nhiều phụ huynh cũng góp sức, giúp lớp chuẩn bị quầy hàng rất đẹp”- cô Hân chia sẻ.

Vì lần đầu tiên nhà trường tổ chức phiên chợ nên các em học sinh rất háo hức. Tất bật cùng lớp chuẩn bị bày biện, soạn hàng, mời hàng, bán hàng, em Pao Lê Na, học sinh lớp 9A không giấu được niềm hân hoan: Chúng em chuẩn bị từ nhiều ngày nay. Chúng em dự kiến các sản phẩm để bán, sắp xếp thời gian cùng chế biến cơm cuộn, trà tắc, soda để bán tại phiên chợ. Mỗi người một việc, dù bận rộn nhưng cả lớp, ai nấy đều rất thích thú.

Đa dạng các món hàng cây nhà lá vườn. Ảnh: H.T

 

Các anh, các chị rộn ràng và các em thiếu niên nhi đồng còn khấp khởi hơn cả. Nhiều em, từ sáng sớm đã tay xách, nách mang, khệ nệ theo chân bố mẹ mang các mặt hàng đến gian chợ. Em cầm theo bọc củ từ, khoai lang, em xách mấy quả bắp, em gói vài quả dưa leo hớn hở mang đến gian hàng của lớp.

Ngây thơ đứng sau mớ rau, củ quả với người mua tấp nập, em Phan Ngọc Mỹ Trân và nhóm bạn học cùng lớp 5A tíu ta tíu tít, thi nhau kể chuyện. Các em vừa chỉ vừa kể: Nhà bà ngoại trồng dưa nên con xin 3 quả dưa mang lên đây bán; mẹ cho con bì gạo để góp vào gian hàng; tự tay con hái dưa leo, bí đỏ để cùng với các bạn bày bán. Mỗi em một ít, vậy mà, gian hàng đầy ắp rau xanh mơn mởn để mọi người chọn lựa.

Ngoài các mặt hàng rau, củ, phiên chợ còn đậm vị Tết khi gian hàng của nhà trường thơm lừng hương vị củ kiệu muối, bánh tét nóng hổi. Từ sự hỗ trợ nguyên liệu: nếp, đậu xanh, thịt của các mạnh thường quân, thầy cô đã cùng với phụ huynh, người dân xung quanh trường gói, nấu bánh tét để bán tại phiên chợ.

Phiên chợ nhộn nhịp. Gần 130 đòn bánh tét được xếp thành từng chồng, chỉ phút chốc, đã được người mua gần hết. Những hũ củ kiệu tươi, thơm cũng vơi dần, để lại khoảng trống cho gian hàng.

Rộn ràng, tấp nập, các thầy cô chỉ về phía chị Nguyễn Thị Như Đông giới thiệu: Chị Đông rất nhiệt tình trong việc góp sức gói bánh, nấu bánh. Nhà của chị cũng là vị trí để mọi người cùng tập trung gói, nấu, canh bánh.

Còn chị Đông thì nhớ mãi ngày hôm trước, cả chục người cùng quây quần, người gói, người cột lạt. Đêm đến, dưới cái lạnh se sắt, mọi người canh lửa, chêm nước vào nồi bánh, rộn ràng, hệt như Tết đã về đến ngõ. Nhìn thành quả là những chiếc bánh tét xanh, đẹp, chị Đông vui vẻ: Mỗi người một tay, việc đâu lại vào đấy. Chúng tôi mong rằng, những việc làm nhỏ của mình sẽ góp sức cùng nhà trường lan tỏa yêu thương.

Các em học sinh háo hức vì chính mình đang được góp sức làm việc ý nghĩa. Ảnh: H.T

 

Không chỉ thu hút phụ huynh, người dân trong xã, phiên chợ nhỏ còn trở thành điểm đến của nhiều người dân ở các xã, phường lân cận. Nhờ vậy, chỉ trong khoảng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, các mặt hàng đã vơi đi trông thấy.

Phiên chợ đặc biệt và cũng thật ý nghĩa khi mỗi người mua hàng cũng được góp phần vào việc lan tỏa yêu thương. Cô Trần Thị Kim Mươi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các em học sinh góp những món hàng “cây nhà lá vườn” đến bán và tất cả số tiền bán được sẽ được sử dụng để gây quỹ, hỗ trợ, giúp các bạn học sinh khó khăn mua bảo hiểm y tế.

Hiện tại, nhà trường vẫn còn 59/677 em học sinh chưa mua thẻ bảo hiểm y tế. Nay mai, khi các lớp gửi tiền về lập quỹ, nhà trường sẽ tổ chức tổng kết, thông báo cụ thể để mua bảo hiểm y tế cho các em- cô Mươi nói.

Có mặt tại phiên chợ, thầy Thái Khắc Hòa - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum bày tỏ ấn tượng trước hoạt động ý nghĩa của nhà trường.  Thầy cho biết, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, 72 trường học trên địa bàn thành phố đều lên kế hoạch, xây dựng, thực hiện các chương trình ngoại khóa phù hợp với thực tế và mang lại ý nghĩa thiết thực. Vào dịp gần Tết, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức các hoạt động ý nghĩa, giúp các em học sinh vui xuân, đón Tết ý nghĩa.

Thầy cũng thông tin, hiện nay, qua công tác tuyên truyền, vận động, trong năm 2024, địa bàn thành phố, có gần 100% học sinh đã có thẻ bảo hiểm y tế. Để đảm bảo đạt tỷ lệ mua thẻ bảo hiểm y tế năm 2025, các trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh.

Tổ chức phiên chợ ý nghĩa cũng là một cách làm hay, sáng tạo, ý nghĩa để giúp các em học sinh khó khăn được mua, duy trì việc mua bảo hiểm y tế trong năm 2025- thầy Hòa nhấn mạnh.

Một phiên chợ đơn giản nhưng đã mang lại những giá trị sâu sắc. Ở phiên chợ ấy, cả người bán, người mua đều được góp sức sẻ chia, làm những phần việc ý nghĩa. Trong niềm vui sẻ chia, các em học sinh khó khăn cảm thấy ấm lòng vì nay mai, từ nguồn quỹ bán được ở phiên chợ sẽ được nhà trường hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, có chi phí thăm khám, điều trị khi chẳng may ốm đau, bệnh tật.

Hoài Tiến

   

Các tin khác

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ
  • Du khách đổ về Măng Đen dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
  • Chùm ảnh: Thành phố Kon Tum rực rỡ cờ hoa chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp nao lòng của dòng sông Đăk Bla chảy ngược
  • Chùm ảnh: Nhà rông truyền thống ở huyện Sa Thầy
  • Bản hòa tấu của tre nứa
  • “Cuộc hội ngộ” cảm xúc
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Công an tỉnh: Tổ chức kì sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1
  • Ðảng viên trẻ nêu cao trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội
  • Nhiều kết quả thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa
  • Lễ tiễn, bàn giao hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia về nước
  • Hội nghị khoa học phổ biến kiến thức “Đánh giá hiện tượng động đất tại tỉnh Kon Tum – Thực trạng và giải pháp ứng phó”
  • Khánh thành nhà rông thôn Kon K’Lốc, xã Đăk Mar
  • Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Kon Tum hội đàm với Ban Chuyên trách tỉnh Rattanakiri (Campuchia)
  • Nỗ lực vượt khó, gặt hái thành công

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Bếp cơm ấm áp tình người
  • Sức hấp dẫn ở thiên đường du lịch Măng Đen
  • Chùm ảnh: Vẻ đẹp mỹ miều của hoạ tiết hoa văn trên cánh đồng mùa gặt
  • Chùm ảnh: Nhộn nhịp công trường ngày nghỉ lễ

Đất & Người Kon Tum

  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đã bước sang tuổi 80, nhưng ông A Khunh (dân tộc Xơ Đăng) ở thôn Đăk Niêng, xã Măng Bút, huyện Kon Plông vẫn miệt mài đan lát, rèn dao, làm nỏ, gìn giữ những nghề truyền thống. Bằng đôi tay khéo léo và tấm lòng son sắt, ông không chỉ lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mà còn âm thầm truyền “lửa” cho thế hệ trẻ.
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 281 Thi Sách, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by