Tinh gọn bộ máy là nhu cầu khách quan, tất yếu
Sau khi được đọc bài viết “Rạng rỡ Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025), nhiều cán bộ, đảng viên ở tỉnh Kon Tum đã thể hiện sự đồng tình về bài viết, xem đây như một mốc son chói lọi để cả nước bước vào chặng đường phát triển mới với tương lai rạng ngời.
Cần sắp xếp, tinh gọn bộ máy
“Tôi cảm nhận được sự dung hòa, không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân đầy hứng khởi với sự sôi động, khẩn trương, ngập tràn cảm xúc của cả hệ thống chính trị bắt tay vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Tôi cho rằng việc sắp xếp bộ máy tổ chức hiện nay là nhu cầu khách quan, tất yếu của cách mạng Việt Nam khi bước vào giai đoạn mới của lịch sử”- ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khẳng định.
Theo ông Đặng Thanh Long, mỗi một giai đoạn của cách mạng đều gắn với một tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị phù hợp, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy cách mạng phát triển và tiến lên. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thể hiện quyết tâm cao nhất của Đảng. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm giải phóng nguồn lực, tháo điểm nghẽn của điểm nghẽn.
|
Khi thành lập nước (năm 1945), chúng ta đã ra sức xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp tổ chức bộ máy nhiều lần nhưng kiểm điểm lại, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra. Thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, Việt Nam sẽ tinh gọn bộ máy, giảm được biên chế, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư cho phát triển.
“Một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư nhắc lại trong bài viết Rạng rỡ Việt Nam khẳng định sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả với quyết tâm chiến lược cao hơn. Tôi tin vào thành công của nhiệm vụ trọng đại này”- ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, bà Y Việt Sa- Phó Bí thư Tỉnh đoàn Kon Tum cho biết thêm: Hiện nay, việc triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy được làm trước hết từ Trung ương đã thể hiện rõ tính nêu gương, tiền phong gương mẫu từ trên xuống. Trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tuy có rất nhiều thách thức đặt ra nhưng với quan điểm cá nhân, tôi thấy đây là một giải pháp tạo động lực, bắt buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng trau dồi về mặt kiến thức, kỹ năng, tư duy, khả năng lãnh đạo để phù hợp với vị trí công tác; khuyến khích được sự sáng tạo và khát vọng cống hiến trong bản thân mỗi người. Việc tinh gọn bộ máy, chúng ta phải lựa chọn được những cá nhân thật sự ưu tú để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nội dung công tác phù hợp với thực tiễn hiện nay. Một hệ thống tinh gọn với đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, tận tâm, tận lực thì đất nước sẽ vươn mình.
Phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu
Theo ông Đặng Thanh Long, ngày nay các nước trên thế giới đều xem khoa học công nghệ như là một biến số quyết định sự phát triển kinh tế xã hội mỗi nước. Cuộc đua kinh tế xã hội, thực chất là cuộc đua phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực của mỗi nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, trong các văn kiện của Đảng, Nghị quyết 57 khóa XIII về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia” chúng ta đều xác định phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Trong dòng chảy chung của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI, chuyển đổi số, là đảng cầm quyền, lãnh đạo chính quyền, đòi hỏi Đảng cũng thường xuyên đổi mới ngang tầm với nhiệm vụ mà lịch sử đã giao. Đảng phải năng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, không ngoài việc phải tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc.
“Nói rộng hơn là ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác xây dựng Đảng, đây là yêu cầu khách quan, tất yếu để Đảng ta đủ năng lực lãnh đạo hệ thống chính trị, đáp ứng thời kỳ công nghệ 4.0, chuyển đổi số”- ông Đặng Thanh Long khẳng định.
|
Theo bà Y Việt Sa, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yếu tố quyết định, điều kiện tiên quyết để nước Việt Nam phát triển hùng cường, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý, điều hành là giải pháp quan trọng để giảm tải công việc hành chính và cắt giảm nhân lực.
Nhưng để triển khai hiệu quả giải pháp này thì tôi nghĩ trước hết cần chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao năng lực số cho cán bộ, đặc biệt là người trẻ. Cần bố trí cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật trong cấp uỷ các cấp. Đồng thời cũng có những chính sách, cơ chế để khuyến khích thúc đẩy sự say mê nghiên cứu của của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, chiêu mộ họ làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị- bà Y Việt Sa nêu quan điểm.
Cao Nguyên