Sàng lọc công chức, viên chức
Khi xây dựng được cơ chế sát hạch công chức hợp lý, vận hành hiệu quả, chúng ta sẽ có được một đội ngũ công chức tinh thông nghiệp vụ, có chất lượng cao, đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ (chủ trì soạn thảo) đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch công chức nhằm bố trí người lao động vào các vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ. Mục tiêu là đánh giá toàn diện phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của công chức.
Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc và thực hiện các chính sách đối với công chức, tuân theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống". Từ đó giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; tâm lý "đã vào nhà nước là an toàn", "tình trạng công chức suốt đời”.
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, hiện nay, thực trạng đội ngũ công chức ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý "đã vào nhà nước là an toàn", "tình trạng công chức suốt đời", cơ chế đào thải không đủ mạnh (quy định 2 năm liên tiếp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ).
Ngay ở tỉnh ta, dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhưng tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm; đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang cơ quan khác vẫn còn xảy ra.
|
|
Biểu hiện phổ biến là né tránh những việc khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực thi công vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; chậm trễ giải quyết, để tồn đọng công việc; trả lời, hướng dẫn không rõ quan điểm, chính kiến của tổ chức, đơn vị mình; tìm cách đẩy việc hoặc hỏi xin ý kiến những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm.
Hậu quả là quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đặc biệt, vẫn chưa khắc phục được tình trạng công chức, viên chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về", không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không sa thải được, vì trong “biên chế nhà nước”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ khâu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức còn mang tính cào bằng. Trong đánh giá cán bộ vẫn còn tâm lý nể nang, như có những công chức không làm được việc, giao ít việc nhưng vẫn được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Hoặc đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 1 năm, năm sau lại cho hoàn thành, để “né” quy định 2 năm liên tiếp không hoàn thành, tránh bị đưa vào diện “sàng lọc”. Dẫn đến người không làm tốt, không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn “an toàn” ở vị trí công tác, chưa thể loại bỏ được những trường hợp năng lực yếu kém.
Vì vậy, việc Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch công chức nhằm bố trí vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Nhiều ý kiến đồng tình rằng, xây dựng cơ chế sàng lọc công chức là rất cần thiết, không chỉ khắc phục bất cập hiện nay, tạo ra cơ chế để sàng lọc và thay thế những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, mà còn nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Trong đó khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Rõ ràng là, khi xây dựng được cơ chế sát hạch công chức hợp lý, vận hành hiệu quả, chúng ta sẽ có được một đội ngũ công chức tinh thông nghiệp vụ, có chất lượng cao, đủ năng lực và phẩm chất để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Tất nhiên, một cơ chế sát hạch hợp lý, hiệu quả cần bao gồm những quy định chặt chẽ trong sát hạch, với tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, giải quyết được các tồn tại trong đánh giá công chức, viên chức đã tồn tại lâu nay, để công tác đánh giá được thực chất và ý nghĩa hơn.
Hiện nay, “cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn bộ máy vẫn đang được triển khai quyết liệt ở các cấp, các ngành, nhằm xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém.
Đồng nghĩa với việc phải lựa chọn cán bộ đúng, trúng, tránh tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. Có những bộ phận thừa biên chế, có những viên chức yếu cả về năng lực, trình độ, phẩm chất, lẽ ra phải tinh giản nhưng không thực hiện, trong khi đó lại “tinh giản” ở những bộ phận, lĩnh vực thực sự cần thiết, thậm chí đang thiếu người làm việc, để đạt được mục tiêu.
Muốn vậy, phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Cần đánh giá, sử dụng đúng cán bộ; lưu ý sắp xếp để tránh “người tài xin nghỉ, người dở ở lại”; lựa chọn giữ được tinh hoa trong bộ máy, những người thật sự tâm huyết, có đóng góp, có kinh nghiệm, có bản lĩnh.
Đây là công việc hệ trọng, cần phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học; khẩn trương, nhưng phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc “không để cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém”, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Sông Côn