Khắc ghi lời Bác dạy về “dựng nước” và “giữ nước”
Mỗi khi đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương lại nhớ đến Bác Hồ kính yêu với lời căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là câu nói bất hủ của Người trong lần về thăm Đền Hùng và trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Đại đoàn 308) vào ngày 19/9/1954.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội do chính quyền Pháp bàn giao theo Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) về đình chiến ở Đông Dương. Sáng 19/9/1954, Bác Hồ đã gặp mặt, căn dặn và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong về tiếp quản Thủ đô tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao (nay là thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Bác giảng giải nhiều điều và căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Hơn 70 năm qua, lời căn dặn ấy của Người luôn vang vọng và khắc sâu trong trái tim, khối óc của mỗi người dân đất Việt. Dù đi đâu, làm gì, thế hệ con Lạc cháu Hồng đều ghi nhớ về công ơn các Vua Hùng, từ đó nâng cao có ý thức và trách nhiệm đối với việc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
|
Chỉ với câu nói ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc ấy, Bác Hồ kính yêu đã khái quát nội dung cơ bản, xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Trước hết, Bác khẳng định công lao to lớn “dựng nước” của các Vua Hùng, của các thế hệ cha ông. Tiếp đến, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta về sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, câu nói của Bác còn hàm chứa một quy luật liên quan đến vận mệnh của dân tộc, đó là: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước.”
Giữ nước là bổn phận, là tình cảm, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của tất cả những ai mang dòng máu Lạc Hồng. Là sự đoàn kết, chung sức đồng lòng, quyết tâm chiến đấu hy sinh để bảo vệ nền độc lập.
Tháng 7/1945, tại lán Nà Nưa (Tuyên Quang), Bác Hồ đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Ngày 19/4/1946, trong thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam họp tại Pleiku, Bác đã viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và thực sự đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Khắc ghi lời Bác dạy, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã chung sức, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, mang lại nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Trong đó, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có ý nghĩa hết sức lớn lao, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam; nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời khẳng định một chân lý rằng, một dân tộc dù nhỏ bé nhưng nếu có ý chí kiên cường, đoàn kết và chiến lược đúng đắn thì hoàn toàn có thể đánh bại kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Đây là bài học có ý nghĩa sâu sắc để thế hệ sau tiếp tục gìn giữ và phát huy.
|
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chấm dứt quá trình 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (tính từ sau Cách mạng Tháng Tám), chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc, làm cho Tổ quốc ta độc lập và thống nhất, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Giữ nước với Bác còn là chăm lo cho dân, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người đã nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Và “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Trong sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ mục tiêu: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” đó là nhận định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội.
Và tháng 7/2024, trong bài viết “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những kết quả Việt Nam đã đạt được sau gần 40 năm đổi mới.
Đó là, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986; tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 8 năm liên tiếp; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới; từ nước thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, lũy kế đến nay có 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Các chính sách với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được đặc biệt quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% so với hơn 58% năm 1993. Xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp và nâng cao chất lượng đời sống người dân ở nông thôn; đến cuối năm 2023 có hơn 78% số xã và 270 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Việt Nam đã hoàn thành trước hạn nhiều chỉ tiêu trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và được Liên Hợp Quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được cải thiện rõ rệt, cao hơn nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 lên vị trí 54/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (hiện nay Việt Nam vươn lên vị trí 46).
Từ một nước bị bao vây, cấm vận kéo dài trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20. Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính.
Việt Nam được xếp hạng tăng 4 bậc, lên vị trí 41/163 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023 về đánh giá mức độ yên bình quốc gia do Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, Australia) công bố.
Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đang nỗ lực để vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.
Sông Côn