Trải nghiệm thú vị tại Hội Báo xuân Ất Tỵ
Tham gia Hội Báo xuân năm nay, ngoài việc được tham quan, đọc các ấn phẩm của các cơ quan báo chí trên khắp mọi miền đất nước, các em học sinh đến từ các trường trên địa bàn thành phố Kon Tum còn được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị. Qua đó, hiểu được những nét đẹp văn hóa trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
|
Giáp Tết, có mặt tại Thư viện tỉnh – nơi diễn ra Hội Báo xuân Ất Tỵ 2025, chúng tôi cảm nhận rõ nét hơn không khí của những ngày Tết đến – Xuân về. Tại sảnh thư viện, các em học sinh háo hức tham gia các hoạt động hấp dẫn: trải nghiệm viết thư pháp, thiết kế bìa báo xuân; giải đáp các ô chữ về truyền thống văn hóa trong ngày Tết; chơi các trò chơi dân gian…
Cuốn theo các hoạt động hấp dẫn, gương mặt các em, ai nấy đều rạng rời, phấn khởi. Cầm trên tay bức thư pháp do chính mình tự viết, em Trần Long Vũ, học sinh lớp 12C4, Trường THCS – THPT Liên Việt Kon Tum hào hứng: Em đã được học bài thơ Ông đồ của tác giả Vũ Đình Liên nhưng thực sự chưa tường tận hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của việc cho chữ, xin chữ. Ngày hôm nay, khi được tận mắt thấy ông đồ “áo dài, khăn đóng” viết chữ, cho chữ, được trải nghiệm việc viết thư pháp em mới hiểu hơn về tục cho chữ trong ngày Tết. Đặc biệt, khi trải nghiệm, em thấy rằng “Thư pháp là để luyện trí, rèn tâm”; khi viết thư pháp, cùng với việc phát triển tư duy sáng tạo, thể hiện cá tính, cảm xúc qua từng nét chữ, viết thư pháp còn giúp em hiểu được tính kiên nhẫn, cẩn thận, nâng cao khả năng thẩm mỹ, cảm thụ cái đẹp.
Với em Trần Thị Thảo Uyên, học sinh lớp 12B, Trường THPT Ngô Mây, được tham gia các hoạt động tại Hội Báo xuân năm nay là niềm may mắn. Trải nghiệm làm bìa báo Tết, em cùng các bạn suy nghĩ, tìm chủ đề, ý tưởng và thỏa sức sáng tạo, thiết kế. “Thực sự khi tự làm, em mới hiểu được, để làm nên bìa báo Tết không hề đơn giản, đó là cả quá trình lao động, sáng tạo của các cô, các chú làm báo, thiết kế đồ họa. Tham gia Hội Báo Xuân, em có cơ hội để hiểu và trân quý hơn công sức của các cô, các chú đã làm nên các ấn phẩm cho chúng em đọc hôm nay” – Uyên chia sẻ.
|
Có dự định theo học ngành truyền thông, em Bùi Gia Bảo dành nhiều thời gian đọc, tìm hiểu nội dung trong các tác phẩm báo chí, tìm hiểu về các sự kiện nổi bật của tỉnh nhà trong năm 2024. Cho rằng báo chí có sức mạnh to lớn trong việc cung cấp thông tin trong đời sống, em sẽ nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa, để theo đuổi được đam mê.
Những bài nhạc xuân do các ca sĩ không chuyên – là các em học sinh, là các cô nhân viên trong thư viện thể hiện càng làm không khí thêm rộn ràng, phấn khởi. Trong không gian ấm áp, các em học sinh thỏa sức tham quan những hình ảnh trưng bày đẹp mắt của 500 đầu báo với 100 ấn phẩm của các cơ quan báo chí trên khắp mọi miền đất nước; tìm hiểu các thông tin thời sự và hoạt động báo chí trên cả nước.
Đặc biệt, năm nay, với chủ đề “Báo chí với chuyển đổi số”, cùng với việc đọc báo giấy, các em được trải nghiệm quét mã QR, đọc báo online, để hiểu rõ hơn những nỗ lực của các cơ quan báo chí tỉnh trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong báo chí nói riêng.
Đã tham gia Hội Báo Xuân nhiều lần, và Hội Báo Xuân đã để lại trong cô giáo Lê Thị Ngọc – giáo viên chủ nhiệm lớp 7B10, Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc nhiều ấn tượng. Cô cho biết, Hội Báo Xuân năm nay được tổ chức bài bản, sách, báo được trưng bày đẹp hơn, thu hút hơn. Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm thú vị giúp các em học sinh hiểu hơn về những nét văn hóa truyền thống trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Song song với các hoạt động chính của Hội Báo Xuân, hoạt động trải nghiệm được tổ chức trong vòng 3 ngày từ 22-24/1 là sân chơi bổ ích cho các em học sinh. Chị Trần Thị Kim Phương – Phó Giám đốc Bảo tàng – Thư viện tỉnh chia sẻ: Hoạt động đã thu hút hơn 500 em học sinh từ các trường trên địa bàn thành phố Kon Tum. Hội Báo xuân không chỉ là ngày hội của những người làm báo mà còn là ngày hội của bạn đọc, đông đảo nhân dân. Chúng tôi mong rằng, qua các hoạt động ý nghĩa tại thư viện sẽ góp phần tôn vinh, phát huy văn hoá đọc, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các em học sinh nói riêng, của người dân nói chung mỗi dịp tết đến xuân về.
Hoài Tiến