“Thôn thông minh”
Chỉ cần một điện thoại thông minh có kết nối wifi, hoặc cáp quang internet, một nông dân có thể tiếp cận được cả thế giới mà không cần rời khỏi nhà. Đó chỉ là một trong những ví dụ cụ thể về “thôn thông minh”.
Vậy thế nào là mô hình “thôn thông minh”?
“Thôn thông minh” được hiểu là mô hình cộng đồng thôn ở các vùng nông thôn sử dụng các nền tảng công nghệ, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của chuyển đổi số để phát triển bền vững.
Với “thôn thông minh”, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được khỏa lấp bằng một cú… click. Một nông dân có thể tiếp cận được cả thế giới mà không cần rời khỏi nhà.
Trên thực tế, trong thời gian qua, huyện Đăk Hà đã đi tiên phong trong việc thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh với các tiêu chí cơ bản đáp ứng mô hình “thôn thông minh”.
|
Đơn cử như ở tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, 100% hộ gia đình sử dụng internet, thông tin di động 3G/4G; thực hiện các dịch vụ thanh toán điện tử; 80% hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân cài đặt ứng dụng định danh điện tử VneID; thành lập nhóm Zalo để trao đổi thông tin, liên lạc giữa các hộ gia đình trong khu dân cư.
Mô hình này bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan, người dân được sử dụng nhiều tiện ích, dịch vụ thông minh, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công.
Mới đây, ngày 28/7, UBND tỉnh đã ban hành quy định tạm thời mô hình “thôn thông minh” giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó có những tiêu chí như, có hạ tầng Internet cố định (FTTH) hoặc di động (4G/5G) bao phủ đến hộ gia đình; có mạng wifi miễn phí tại điểm công cộng (tối thiểu 1 điểm).
Tối thiểu 70% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh trong thôn. Tối thiểu 40% người trưởng thành trong thôn có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, học phí.
Có ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực như an ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất - kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, năng lượng, chiếu sáng, môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương hiệu, thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, truyền thanh thôn.
Đây được đánh giá là việc làm cần thiết, bắt kịp và đáp ứng xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở nông nghiệp, nông thôn.
Tất nhiên, việc xây dựng mô hình “thôn thông minh” không phải là dễ dàng, có thể thực hiện trong một sớm một chiều, mà gặp không ít khó khăn.
Trong đó, đa số người dân khu vực nông thôn vẫn quen với các hoạt động lao động sản xuất, mua bán truyền thống. Dù hầu hết các hộ dân có điện thoại thông minh, nhiều hộ gia đình có kết nối internet, hoặc thôn có wifi miễn phí, nhưng việc cài đặt, ứng dụng các nền tảng số vào cuộc sống còn rất hạn chế.
Việc sử dụng mạng xã hội, các nền tảng số hầu như chỉ phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, chưa ứng dụng nhiều vào giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch thương mại.
Chất lượng nguồn nhân lực nhiều khu vực nông thôn còn chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế, trình độ học vấn còn thấp cho nên việc tiếp thu kiến thức công nghệ để áp dụng vào đời sống chưa đạt yêu cầu.
|
Thuận lợi là sau nhiều năm triển khai xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác, diện mạo nông thôn đã thay đổi, cơ sở hạ tầng được nâng cấp nhiều; hạ tầng viễn thông - công nghệ đã phục vụ tận thôn làng, có thể đáp ứng các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.
Đơn cử như ở xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông), đến nay 9/9 thôn đã phủ sóng wifi miễn phí, còn trên toàn huyện Tu Mơ Rông, con số này là 60. Huyện đang phấn đấu trong năm nay sẽ phủ kín wifi miễn phí tại 86 thôn, làng, đạt 100%.
Trình độ dân trí trên địa bàn được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ dân cư có điện thoại thông minh ngày càng cao, khả năng tiếp cận, nắm bắt và sử dụng công nghệ được cải thiện.
100% số thôn đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chuyển đổi số và nâng cao khả năng sử dụng công nghệ.
Các công ty, doanh nghiệp sử dụng lượng lớn lao động nông thôn, vì vậy nhiều hộ dân có người có tài khoản ngân hàng, thuận lợi cho việc đăng ký, thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển tiền không dùng tiền mặt.
Mạng xã hội được nhân dân sử dụng nhiều, kỹ năng của nhân dân trong sử dụng các nền tảng công nghệ số để mua bán tốt, hầu như mỗi gia đình đều có người có thể thực hiện được.
Như vậy, để triển khai thành công mô hình “thôn thông minh”, có một số bài toán cần được giải quyết.
Khi thực hiện cần nghiên cứu kỹ thực trạng cơ sở hạ tầng; tư tưởng, tâm lý, khả năng ứng dụng công nghệ của người dân từ đó đề ra biện pháp, lộ trình và cách thức để thực hiện phù hợp.
Tiếp tục quan tâm đầu tư, cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng công nghệ, viễn thông, nhất là hạ tầng internet cố định (FTTH) hoặc di động (4G/5G).
Thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân, hình thành những “nông dân số” nòng cốt, từ đó tuyên truyền hướng dẫn, giúp người dân nhận thấy hiệu quả của ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, từ đó tích cực tham gia.
Ví dụ như để các hộ gia đình sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, cần đẩy mạnh tuyên truyền tiện ích của ứng dụng này; hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản ngân hàng và đăng ký sử dụng tài khoản trên các ứng dụng; thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền giữa thôn với hộ dân thông qua thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần hỗ trợ kinh phí cho các tổ công nghệ số công đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đồng thời bố trí cán bộ phụ trách quá trình triển khai mô hình.
Hồng Lam