Thắm tình quân dân nơi biên cương
Cuối tháng 5 vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh có dịp đưa đoàn hội viên, nhà báo đi thực tế các xã vùng biên huyện Đăk Glei. Qua chuyến đi, chúng tôi mới thấu được tình quân dân nơi biên cương thật sâu nặng nghĩa tình.
Đoàn đi gồm 11 người, trong đó có 2 quân nhân Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh dẫn đường. Khởi hành 7 giờ sáng từ thành phố Kon Tum, đoàn vào đến Đồn Biên phòng Đăk Blô khoảng 11 giờ với chặng đường chừng 160km. So với 5 - 7 năm về trước, đường vào đồn bây giờ dễ đi hơn rất nhiều.
Đường biên giới mùa này nắng vàng như rải mật, thỉnh thoảng bắt gặp những thửa ruộng nước vừa được gieo sạ, lúa non mọc lún phún, xung quanh đồi núi bao bọc nhấp nhô như bức tranh vẽ. Xe chạy qua các làng người Giẻ -Triêng xã Đăk Nhoong, Đăk Plô, chúng tôi nhìn thấy những nhà rông xưa với mái vòm tròn, thấp. Căng mắt tìm kiếm những ngôi nhà sàn lợp tranh tôi từng gặp trong những chuyến tác nghiệp khoảng từ năm 2010 trở về trước, nhưng không thấy, chỉ toàn nhà xây kiên cố, lợp tôn đủ màu sắc. Các làng đổi thay nhanh quá.
|
Xe cách Đồn Biên phòng Đăk Blô chừng 7km đã thấy khí hậu khác hẳn, mây đen kịt, mưa nặng hạt, se lạnh. Không còn bon bon như trước, đến đầu làng Pung Koong, xã Đăk Plô, đường sạt lở, đá lởm chởm, xe lắc lư, nhào lộn liên tục. Cậu lái xe biên phòng liên tục đánh tay lái qua trái, qua phải, xe đổ hết con dốc ở làng Pung Koong là thấy Đồn Biên phòng Đăk Blô to đẹp, ẩn hiện trong màu xanh của núi rừng trùng điệp.
Xe qua khỏi cổng gác, đã thấy lãnh đạo Đồn đứng chờ Đoàn. Sau cái bắt tay chào nhau, tôi tranh thủ đề xuất lãnh đạo Đồn bố trí xe hai cầu đưa xuống làng để kịp gặp dân theo lịch hẹn.
Xe có 5 chỗ ngồi nên một số anh em xuống làng cơ động bằng xe gắn máy. Nhà báo Lê Văn Thiềng cao tuổi nhất nhưng không nề hà, anh xung phong đi ngay. Không những vậy, trong suốt chuyến đi, lúc anh phăng phăng lên rẫy sâm dây, rẫy bí, thăm trang trại chăn nuôi heo của bà con, lúc chống gậy leo dốc lên cột mốc chủ quyền biên giới trên núi cao. Mới thấy lòng yêu nghề luôn “rực cháy” trong anh.
Đến thăm gia đình anh A Thá, chị Y Éo, làng Pêng Lang đã thấy vợ chồng anh đứng ở cửa chờ sẵn, vui cười bắt tay từng người. Nhà anh chị có 4 khẩu, con lớn đã có gia đình, con thứ 2 đang học phổ thông. Mặc dù chăm chỉ lao động sản xuất, nhưng do thời tiết ở đây khắc nghiệt, làm rẫy không hiệu quả, gia đình anh chị vẫn còn nghèo khó. Năm 2018, qua công tác nắm bắt địa bàn, được chính quyền xã Đăk Plô giới thiệu, Đồn cử đảng viên là người tại chỗ giúp đỡ gia đình anh sản xuất, hỗ trợ 1 cặp heo giống.
Được BĐBP hướng dẫn làm chuồng trại có mái lợp, chăn nuôi heo bằng rau xanh tự trồng, cám gạo, hèm rượu từ lò rượu của gia đình, 5 năm qua, đàn heo của gia đình anh A Thá đã sinh sản được 30 con. Anh chị vừa bán heo thịt vừa gầy thêm heo giống hỗ trợ cho 4 hộ trong làng, gồm: Y Yên, Y Ải, A Char, A Mon. Năm 2021, đàn heo trên địa bàn xã bị dịch tả chết nhiều, trong đó có heo của Đồn. Anh chị tự nguyện “hỗ trợ” lại một cặp heo giống cho Đồn, đến nay đã phát triển lên 25 con. Từ hộ nghèo khó, được BĐBP Đồn Biên phòng Đăk Blô giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và chăn nuôi, đến nay, anh chị còn có trâu, bò, trồng mì, lúa, đã thoát nghèo.
|
Buổi chiều, đoàn chia làm hai nhóm tác nghiệp: nhóm lên cột mốc và nhóm đến thăm hộ A Chiễn, chị Y Ngoong ở làng Pung Koong có rẫy sâm dây điển hình. Nhóm đi cột mốc bằng xe ô tô, khi cách cột mốc chừng 250m, anh em “cuốc bộ”, nhiều đoạn trơn trợt, đầu gối chạm với mặt, phải dừng lại thở dốc, còn bị vắt bấu vào ống quần. Bù lại, đến nơi, anh em chụp những tấm hình về khoảnh khắc dưới cơn mưa chiều lực lượng BĐBP và dân quân địa phương phối hợp tuần tra, bảo vệ cột mốc.
Nhóm đến nhà anh A Chiễn, chị Y Ngoong, làng Pung Koong bằng xe gắn máy, vượt qua con đường đá hộc lởm chởm. Anh chị thân mật đón tiếp đoàn trong căn bếp ngăn nắp, sạch sẽ. Anh chị là một trong số 80 hộ được Hội LHPN thành phố Hà Nội hỗ trợ trồng 1 sào sâm dây năm 2019. Từ đó, anh chị đã thay đổi nếp nghĩ, biết tính toán phát triển kinh tế gia đình.
Để chứng minh lời nói của mình, anh chị đưa đoàn lên rẫy sâm dây cách nhà chừng 5-7 km. Nhìn rẫy sâm dây xanh tốt, chúng tôi càng tin vào cách làm tốt “3 bám”, “4 cùng” và phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” của Đồn Biên phòng Đăk Blô thời gian qua là thực chất và hiệu quả.
Chia tay gia đình anh A Chiễn sau cơn mưa chiều, cả 2 nhóm của đoàn gặp nhau đông đủ tại nhà chị Y Don - mẹ A Xử. A Xử mồ côi cha, mẹ đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn, được Đồn Biên phòng Đăk Blô nhận làm con nuôi 2 năm nay. Từ một cậu bé nhút nhát, gầy gò, về ở với các chú bộ đội, đến nay, cậu hoạt bát, chăm chỉ học hành, vừa học xong lớp 5.
Ở lại Đồn Biên phòng Đăk Blô một đêm, sáng hôm sau, đoàn trở ra gặp gỡ bà con xã Đăk Nhoong và Đồn Biên phòng Đăk Nhoong. Các anh biên phòng cùng chính quyền, đoàn thể đón đoàn ở đầu xã, đưa ngay vào thôn Đăk Ga gặp Trưởng thôn A Cu. Anh A Cu cho biết: Trước đây đất rẫy trồng bời lời không hiệu quả, BĐBP vận động chuyển đổi và hỗ trợ trụ bê tông trồng bí, thanh long. Từ mô hình của A Mra hiệu quả đã giúp các hộ A Sông, A Miếu, A Vún… thay đổi nếp nghĩ, làm theo. Trong chăn nuôi bò, trâu, có 13 hộ được huyện hỗ trợ mái tôn làm chuồng, giống cỏ và mỗi hộ 1,2 triệu đồng. Các hộ tận dụng phân chuồng tại chỗ bón rau, trồng cây đều xanh tốt.
Gần trưa, đoàn theo bộ đội Đồn Biên phòng Đăk Nhoong và các đoàn thể địa phương lên thăm cột mốc biên giới theo lịch phối hợp tuần tra, bảo vệ cột mốc thường xuyên của các bên.
Qua 2 ngày làm việc tích cực, được các anh Đồn Biên phòng Đăk Blô, Đăk Nhoong nhiệt tình giúp đỡ, bố trí lịch trình hợp lý, được gặp gỡ chính quyền và người dân đúng như mong muốn, đoàn rời biên giới vào chiều muộn. Trên đường về, ai cũng vui cười, phấn chấn bởi vì chuyến đi đạt được nhiều kết quả hơn mong đợi. Dấu ấn về tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc thật ấm áp, sâu nặng nghĩa tình.
Ngọc Mẫn