Thách thức việc làm trong thời đại số
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế trí thức đã và đang tạo ra những việc làm mới hiện đại, có chất lượng; mang hàm lượng tri thức cao. Nhưng cũng đòi hỏi người lao động cần tích cực hơn trong trang bị kiến thức, kỹ năng và trình độ công nghệ.
|
Lĩnh vực lao động và việc làm là một trong những thành tố phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế. Theo Chi cục Thống kê tỉnh, lực lượng lao động của tỉnh duy trì được đà tăng trong những năm qua, cả về quy mô và chất lượng. Chất lượng lao động cũng được cải thiện, thông qua hiệu quả của giáo dục và chính sách đào tạo nghề.
Đến cuối quý I/2025, toàn tỉnh có 346.751 người thuộc lực lượng lao động. Trong đó lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 107.278 người, chiếm 30,94%, khu vực nông thôn là 233.472 người chiếm 69,06% lực lượng lao động. Tỷ lệ nam giới tham gia lực lượng lao động chiếm 51,82% (179.669 người); tỷ lệ này ở nữ giới là 48,18% (167.081 người).
Lao động có việc làm chiếm 99,48% tổng số lao động trên toàn tỉnh (tương ứng 344.950 người. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn, với 238.848 người (69,24%), do dân số tỉnh Kon Tum đa số là thuộc khu vực nông thôn.
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm và thất nghiệp tiếp tục được kéo giảm, ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Số người thất nghiệp ước tính đến cuối quý I năm 2025 là 1.801 người, tỷ lệ thất nghiệp là 0,52% trong tổng số lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh, giảm 0,12% so với cùng kỳ năm trước.
Việc kéo giảm tình trạng thất nghiệp xuống dưới mức trung bình của cả nước hiện nay (2,2%) cho thấy nỗ lực lớn lao của các cấp, các ngành, hiệu quả từ các chính sách về lao động, việc làm.
Đồng thời cũng phản ánh tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tạo cơ hội cho lao động có việc làm, từ đó làm giảm đi tình trạng thất nghiệp.
Hoạt động kết nối cung cầu, giải quyết việc làm, lao động gắn với kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn được triển khai tới từng huyện, thành phố. Các nguồn lực được huy động, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, từ đó tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động.
Đáng chú ý là, chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu việc làm hiện nay, từ việc làm năng suất thấp sang việc làm có năng suất cao hơn. Ngay cả những lao động có nhu cầu tìm việc phổ thông hay xuất khẩu cũng đã có kinh nghiệm và kỹ năng ở lĩnh vực mình đăng ký.
Dù có những chuyển biến như trên nhưng phần lớn việc làm của tỉnh vẫn nằm ở khu vực sản xuất quy mô nhỏ, chất lượng thấp, có phạm vi bao phủ chưa rộng khắp.
Đặc trưng chính của những việc làm phù hợp lao động phổ thông là có năng suất thấp, mức lương thấp, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, hầu như không có sự đảm bảo về việc làm.
Trình độ thấp của lực lượng lao động có thể cản trở tiến trình hội nhập vào những chuỗi giá trị nhiều lợi nhuận hơn, hoặc những việc làm có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị.
Tất nhiên, không thể nói lao động của tỉnh hạn chế về trình độ học vấn. Theo số liệu thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường cao đẳng, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, những công việc đòi hỏi trình độ cao tăng không đáng kể và tăng chậm hơn các công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình. Số lượng công việc chất lượng cao còn hạn chế - hay tiềm năng vốn con người của đất nước sử dụng chưa hiệu quả.
Đặc biệt, thách thức lớn nhất với lĩnh vực lao động và việc làm là công nghệ mới, như công nghệ rô-bốt, trí tuệ nhân tạo (AI), các nền tảng số hoặc chuyển đổi số nói chung, đã trở thành xu hướng tất yếu, có tác động mạnh mẽ đến năng suất lao động. Từ đó ảnh hưởng đến việc làm trong việc thay thế, đào thải lao động có tay nghề, kỹ năng thấp.
Bài toán đặt ra hiện nay về lao động và việc làm là phải nâng cao chất lượng việc làm cũng như trình độ của lực lượng lao động hiện có.
Chúng ta đang có nhiều thuận lợi để thực hiện quá trình này. Như kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục trong những năm gần đây; hệ thống chính sách về phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề tiếp tục phát huy tác dụng, đi kèm việc tận dụng các cơ hội có được từ xu hướng phát triển kinh tế số.
Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ, chuyển đổi số đem đến nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội. Khi năng suất lao động tăng lên nhờ công nghệ và tự động hóa vừa thay thế lao động những cũng tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, giúp tạo thêm việc làm cho những lao động có kỹ năng, hoặc thúc đẩy thay đổi tư duy để thích ứng của lao động thủ công.
Các nền tảng số cũng khuyến khích nâng cao chất lượng của lực lượng lao động, khi buộc một bộ phận lao động ở khu vực nông thôn, việc làm giản đơn chuyển sang những việc làm mới phát sinh, mà ở đó có ứng dụng công nghệ số.
Nhưng để có lực lượng lao động có kỹ năng phù hợp và tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại số cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, chú trọng đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
|
Người lao động cần được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng số và kỹ năng kỹ thuật sâu hơn, để bổ trợ cho các công nghệ mới; cần được tạo thuận lợi để dịch chuyển giữa các lĩnh vực, ngành nghề và địa bàn.
Và cuối cùng, yêu cầu nghề nghiệp càng ngày càng đòi hỏi kiến thức công nghệ, kỹ năng số; hầu hết ngành nghề, lĩnh vực đào tạo sẽ không thể thiếu việc ứng dụng công nghệ. Nắm bắt được công nghệ, người lao động sẽ dễ dàng hòa nhập với môi trường việc làm trong thời đại số.
Lê Hải