Tết ông Công ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp, mẹ tôi dậy rất sớm, lụi cụi bày mâm cúng tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Buổi sáng của Tết Táo Quân năm nay trời lạnh căm căm, phần mềm thời tiết trên điện thoại báo 12oC.
Từ khi tôi bắt đầu biết nhớ, đã thấy hình ảnh ấy mỗi khi tháng Chạp về. Kể cả những năm tháng khó khăn nhất, đúng ngày 23 tháng Chạp, mẹ phải sắm sửa mâm cúng ông Táo lên trời thì mới yên lòng.
Mẹ thường nói rằng, mình là người trần mắt thịt, cũng chẳng biết dị đoan hay không dị đoan, chỉ biết đây là lệ từ ông bà tổ tiên truyền lại. Ngày 23 tháng Chạp mà không có lễ tiễn ông Táo thì ăn Tết không ngon.
Tuyệt đối không làm lễ cúng ông Công ông Táo sau ngày 23 tháng Chạp và không cúng muộn hơn 23h đêm 23 tháng Chạp. Vì nếu tiễn muộn, các Táo không kịp báo cáo với Ngọc Hoàng, cơ sự lỡ dở.
Mẹ còn nói, lễ cúng ông Công ông Táo không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền. Tùy điều kiện cụ thể, mỗi nhà chuẩn bị mâm cỗ cúng khác nhau. Quan trọng là ở sự thành kính, cái tâm của mình. Ông bà nói “lễ bạc tâm thành” là vậy.
|
Lễ vật cũng đơn giản thôi, gồm trái cây, cau trầu, rượu, trà, gạo, muối, nhang đèn, sang hơn thì có thêm đĩa bánh kẹo, mứt . Đặc biệt không thể thiếu 3 bộ quần áo, giày mũ bằng giấy. Hồi ấy, điều kiện kinh tế khó khăn, khi đi chợ, mẹ tôi sẽ mua mấy tờ giấy màu về, bố tự “cắt may” quần áo, giày mũ để cúng.
Trên mâm lễ cũng không thể thiếu một cái tô lớn đổ đầy nước, trong đó có ba con cá chép sống bơi tung tăng. Đây chính là "phương tiện” để ông Táo “lên trời". Sau khi cúng xong, tôi được giao nhiệm vụ đạp xe đem 3 con cá chép ra ao làng để thả.
Tôi để ý, trong khi cúng, bố tôi chỉ xin các Táo “giơ cao đánh khẽ” với những sơ sót, báo cáo những việc tốt đẹp và xin Ngọc Hoàng phù hộ cho năm mới bình an, chứ không cầu tài lộc. Ông giải thích, các Táo Quân lo chuyện nhà cửa, bếp núc, cầu yên ấm, an lành là được, đừng tham lam cầu tài cầu lộc, giàu sang phú quý.
Khi còn nhỏ, tôi cũng rất tò mò về nguồn gốc Tết ông Công ông Táo. Thì được giải thích nôm na rằng, ông Táo, hay Táo Quân là tên gọi chung, thật ra là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ (còn gọi là thần ất, thần nhà và thần bếp núc). Đây là ba nhân vật trong truyện dân gian “hai ông một bà”, được truyền kỳ từ đời này sang đời khác.
Hai ông là Trọng Cao và Phạm Lang, còn một bà là Thị Nhi cùng chết trong một đống rơm. Ngưỡng mộ lòng chung thủy, tình yêu thương của “2 ông một bà” khi cùng chết vào ngày gần Tết, ông bà ta có tục lệ thờ cúng, với hy vọng 3 vị thần sẽ giữ “lửa” trong nhà luôn nồng ấm và hạnh phúc.
Càng thắc mắc sao phải cúng, và phải vào ngày 23 tháng Chạp mà không phải ngày khác?
Mẹ nghe vậy thì nạt tôi: Nề nếp của ông bà tổ tiên để lại, thắc mắc cái gì. Ba vị Táo quân định đoạt phúc đức cho gia đình; ghi chép mọi việc lớn nhỏ suốt cả năm, cuối năm lên thiên đình báo cáo. Nên phải thành tâm, càng nên lấy đó để mà sửa mình, sống cho phải lẽ.
Giờ nhớ lại, càng thấy nao nao trong lòng!
Sau này lớn lên, tôi biết nhiều hơn, rõ hơn về Tết ông Công ông Táo. Đây là một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt ta, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và thể hiện những giá trị tốt đẹp trong đời sống gia đình.
Lễ cúng ngày 23 tháng Chạp là để tiễn Táo Quân lên chầu trời, báo cáo về những việc xảy ra trong gia đình suốt một năm qua. Đây cũng là dịp để gia chủ cầu mong sự bình an, thịnh vượng và may mắn cho năm mới. Đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Tùy theo vùng miền, tùy theo từng gia cảnh mà có cách sắm sửa lễ vật khác nhau. Ngoài các lễ vật cơ bản như hương, hoa, đèn nến, gạo muối, mũ áo, hia hài, có thể làm mâm cỗ mặn hay lễ chay. Về “phương tiện” thì có thể là cá chép (cá sống hoặc cá giấy) hay ngựa giấy.
Ngày nay, kinh tế phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, khi cúng ông Công, ông Táo, nhiều gia đình không tiếc tiền sắm sửa mâm cao cỗ đầy, mua nhiều tiền vàng mã, xe má, điện thoại, xe ô tô, thậm chí cả máy bay để tiễn ông Táo về chầu trời, gây lãng phí, tốn kém. Khi cúng xong phải đem đốt, ảnh hưởng đến môi trường.
Sáng sớm ngày 23 tháng Chạp, tôi gặp cậu em hàng xóm cúng ông Táo xong đem nguyên mâm vàng mã đầy ú ụ ra cổng ngồi đốt. Khi tôi đánh tiếng hỏi sao “hóa vàng” nhiều thế, cậu ta vui vẻ trả lời “sợ ít quá thành cẩu thả” khiến "thần linh quở trách", ảnh hưởng đến công việc và hạnh phúc gia đình.
Chưa hết, chuyện thả cá chép vào sống suối sau khi cúng xong cũng có những chuyện đáng phàn nàn. Có người ngồi trên xe máy, cầm túi nilon đựng cá ném xuống nước. Có người thả cá ra xong tiện tay… thả luôn túi nilon, thay vì cầm về bỏ thùng rác. Vì vậy, bờ sông Đăk La (khu vực bờ kè) vào ngày 23 tháng Chạp thường vương vãi rác thải nhựa.
|
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, các gia đình thờ Táo quân, đến cuối năm trang trọng làm lễ tiễn đưa ông Táo về trời thể hiện tấm lòng cảm tạ trời đất và thần bếp đã bảo hộ và ban phúc lành cho gia đình suốt năm qua.
Cúng ông Táo cũng là dịp để gia chủ bày tỏ mong ước Táo Quân báo cáo những điều tốt đẹp, mang lại may mắn, bình an và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới. Cầu mong Táo Quân tiếp tục bảo trợ, giữ gìn sự ấm cúng, hạnh phúc trong gia đình.
Với ý nghĩa ấy, thay vì sắm sửa nhiều lễ vật tốn kém, các gia đình nên cùng chuẩn bị mâm cơm đơn giản nhưng thể hiện được lòng thành với các vị thần. Đây cũng là dịp để mọi người được trò chuyện, cùng sum vầy những ngày cuối năm.
Hồng Lam