Tết này dưới chân núi Pêng Ơi
Những cơn gió thông thống thổi qua, hòa với cơn mưa rả rích của những ngày cuối năm vẫn không hề ngăn nổi chúng tôi trên hành trình trở lại với xã biên giới Đăk Plô (huyện Đăk Glei)- nơi có sự tích núi Nồi Cơm (theo tiếng Gié- Triêng gọi là Pêng Ơi).
Nhìn từ xa, ngọn núi Pêng Ơi giống như một lưỡi rìu chĩa ngược lên bầu trời, trông thật ngạo nghễ, oai phong.
Theo truyền thuyết của người dân nơi đây, ngày xưa ở đây có làng Bunr Koong và làng láng giềng Bunr Tôn trù phú nhất vùng, trâu đầy chuồng, ruộng đầy lúa, lúa ăn mãi không hết. Người dân khi ấy chăm chỉ trồng lúa, làm rẫy.
Một hôm, có một gia đình nọ ra đồng gặt lúa, đến trưa người mẹ chồng bảo cô con dâu về nhà nấu cơm. Mẹ chồng dặn con dâu về nhà nếu thấy có khách thì nấu một hạt gạo, nếu không có khách thì nấu nửa hạt gạo rồi đem vào rẫy cho bố mẹ ăn. Nửa hạt gạo khi ấy nấu ra nở to như cái nồi, 3 người ăn không biết đói, 6 -7 người ăn một hạt gạo không hết.
Cô gái băng rừng về nhà, giữa đường gặp 1 con thằn lằn bất ngờ chạy ào qua đường, giật mình cô gái quên lời mẹ chồng dặn nên quay lại hỏi nấu mấy hạt gạo. Sau khi quay lại hỏi mẹ chồng, trên đường về cô tiếp tục gặp con thằn lằn lúc nãy chạy qua, làm cô giật mình nên lại quên mất và quay lại hỏi mẹ. Đã đói bụng mà con dâu cứ quay lại hỏi 3- 4 lần, giận quá, mẹ chồng bảo: Thích nấu bao nhiêu thì tùy.
Về nhà, cô con dâu cho cả một lon gạo vào nồi nấu. Khi nấu hạt gạo nở ra rất nhanh, hết hạt này đến hạt khác, chúng ùn ùn nở cao gần tới Trời.
Sợ nồi cơm nở chọc đến mình nên ông Trời làm mưa, làm gió và sai thần sét đánh gãy nồi cơm ra ba khúc. Một khúc còn lại dưới đáy nồi cơm thành ngọn núi và người dân nơi đây gọi là Pêng Ơi (núi Nồi Cơm). Bởi vậy, người Gié-Triêng xem ngọn núi Pêng Ơi là linh hồn, là núi linh thiêng. Còn một khúc gãy văng bên cạnh người dân gọi là Pêng Hu (nay là dốc Cổng Trời), một khúc còn lại văng ra xa hơn người dân gọi là Pêng Ay (đỉnh núi này thuộc địa phận Lào giáp với xã Đăk Plô).
Sau sự cố kể trên, Trời cho rằng, con người quá lãng phí lương thực nên làm phép “biến hóa” cho hạt gạo nhỏ như ngày hôm nay.
|
Hành trình từ thành phố Kon Tum lên Đăk Plô dài khoảng 160km, không quá xa đối với nghề báo thường xuyên đi lại khắp nơi như chúng tôi. Nhưng hôm nay khoảng cách đó lại “hoá xa xôi”, bởi trời đang mưa rả rích, lại thêm đoạn đường từ xã Đăk Man vào Đăk Plô đang thi công, nhiều đoạn xe chúng tôi đi qua rất khó khăn.
Đường vào xã Đăk Plô nhiều khúc quanh co, dốc dựng thẳng đứng, nhưng chúng tôi lại có cảm giác “đường xa cũng hoá gần”, khi niềm háo hức trở lại Đăk Plô cứ tăng dần theo những vòng xe lăn bánh.
Đối với tôi, dù không còn cảm giác xa lạ, bỡ ngỡ như lần đầu tiên vào thăm xã cách đây gần 20 năm, nhưng những tình cảm sâu đậm mà tôi dành cho những người dân thật thà, chịu khó, cần cù nơi đây là động lực để tôi gác lại những bộn bề công việc cuối năm- nhận lời “rủ rê” của một vài người bạn để trở lại Đăk Plô quanh năm mây mù bao phủ.
Trở lại Đăk Plô, trong lòng tôi lâng lâng, háo hức những cảm xúc, nhưng không chỉ vì bức tranh thơ mộng quanh năm mây mù bao phủ cả khu núi rừng hùng vĩ, cũng không phải tiếng nước chảy từ những con sông, con suối và tiếng gió rừng lúc thì gào thét, hòa cùng “điệu rừng” tạo nên những thanh âm du dương đến mê hồn; mà bởi, đây là cơ hội để gặp lại những con người chân chất, giàu tình cảm, tôi từng thân quen cách đây gần 20 năm- những ngày đầu lên Kon Tum, khi ấy, tôi “chập chững bước chân” vào nghề báo.
Có hẹn trước nên thấy xe chúng tôi đến, Chủ tịch UBND xã Đăk Plô Lê Văn Vinh vui vẻ ra bắt tay và mời chúng tôi phòng làm việc.
Bên ly trà thơm phức mùi hoa nhài, ông Vinh chia sẻ: Xã Đăk Plô có gần 97% dân số là dân tộc Gié-Triêng, toàn xã chỉ có 4 thôn, địa hình cách trở, do đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới xã gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực vươn lên, hăng say lao động, sản xuất của người dân, qua rà soát năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của xã tăng hơn năm trước 4 triệu đồng. Bước sang năm 2025, địa phương phấn đấu đưa thôn Đăk Book trở thành thôn nông thôn mới.
Trước đây, người dân ở xã Đăk Plô chỉ biết trồng lúa rẫy và 1 vụ/năm, nhưng nhờ triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đến nay người dân ở đây đã biết trồng lúa nước 2 vụ/năm. Bên cạnh đó, người dân tích cực tham gia xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế vào sản xuất, chăn nuôi của hộ gia đình, từng bước tăng thu nhập cho người dân, giúp dân thoát nghèo bền vững tại các thôn.
|
Ông A Nhíp ở thôn Bung Koong cho biết: Nhiều năm trước đây, đời sống hầu hết người dân chúng tôi đều rất khó khăn. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã biên giới Đăk Plô nay đã thay đổi hơn trước rất nhiều, giờ đây nhà nào cũng được sử dụng điện, xe máy, tivi và sử dụng nước sạch. Con em trong độ tuổi đều được đến trường. Cuộc sống của các hộ gia đình đã ổn định và nhiều hộ còn vươn lên khá giả. Sắp tới con đường từ xã ra đường Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân phát triển kinh tế…
Chia tay Đăk Plô trong ngày cuối Đông, tôi cảm nhận như làn gió mùa Xuân cũng đã kịp tràn khắp nơi trên mảnh đất này, đang “rủ rê” cây rừng vươn mình “thay áo mới”, báo hiệu Tết đang về, khiến trong lòng mỗi người miên man những xúc cảm khó tả. Nhưng điều mà tôi cảm thấy vui nhất trong lúc này là đời sống người dân nơi đây đang thay đổi theo hướng tích cực, cơ sở hạ tầng ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại.
Tết này dưới chân núi Pêng Ơi, người dân Đăk Plô sẽ có một cái Tết tươi vui, đầm ấm và hạnh phúc. Một mùa Xuân mới đang về tràn ngập trong nụ cười, ánh mắt của người dân nơi đây.
Đắc Vinh