Sa Thầy: “Dân vận khéo” giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Thời gian qua, các cấp ngành trên địa bàn huyện Sa Thầy đã triển khai “Dân vận khéo” với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả, giúp người dân, nhất là bà con DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đời sống người dân trên địa bàn ngày càng được cải thiện.
Là một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình “Cải tạo vườn tạp”, bà Y Hlao (ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy) đã trồng xen sầu riêng trên diện tích đất vườn trước đây chỉ dành để trồng mì và một số loại cây mang lại thu nhập thấp.
Bà Y Hlao tâm sự: Trước đây, trồng mì có hiệu quả nhưng dần dần đất bạc màu, rất khó trồng các loại cây khác. Chúng tôi cũng thử trồng nhiều loại cây khác nhưng không có giá trị kinh tế, đất bị chai cứng, nên năng suất các loại cây trồng thấp.
Qua quá trình tuyên truyền và được sự hỗ trợ của chính quyền, tháng 5/2024, gia đình bà Y Hlao đã trồng được 132 cây sầu riêng, trong đó có 107 cây do Huyện ủy hỗ trợ và 25 cây do gia đình tự mua. Huyện đã cử cán bộ đến trực tiếp hướng dẫn gia đình cách quy hoạch lại vườn, kĩ thuật trồng và chăm sóc cây. Qua theo dõi, sau gần 7 tháng trồng, cây sầu riêng phát triển rất tốt.
|
Mô hình “Cải tạo vườn tạp” là một trong những mô hình dân vận tiêu biểu trên địa bàn huyện Sa Thầy, được triển khai rộng khắp đến 11 xã, thị trấn và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS. Với sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội, chỉ tính riêng năm 2024, trên địa bàn huyện đã có 757,73ha vườn tạp được cải tạo trồng các loại cây ăn quả mang lại giá trị cao như sầu riêng 563,58ha, mắc ca 112,91ha, cây ăn quả khác 81,24ha với tổng số 2.541 hộ (trong đó 1.098 hộ người Kinh và 1.443 hộ DTTS).
Không chỉ triển khai mô hình “Cải tạo vườn tạp”, đến nay, toàn huyện có 57 mô hình “Dân vận khéo” được triển khai đa dạng ở các lĩnh vực: Kinh tế (9 mô hình), văn hóa- xã hội (35 mô hình), xây dựng hệ thống chính trị (11 mô hình), an ninh trật tự- xã hội (2 mô hình). Trong đó, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao, như Trồng cây mắc ca; Đoạn đường tự quản; Sinh đẻ có kế hoạch; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Tiếng kẻng đến trường vận động học sinh chuyên cần ra lớp; Đường làng sáng, xanh, sạch, đẹp; Chăm sóc nuôi bò sinh sản; Nói không với tệ nạn xã hội; Khu dân cư an toàn an ninh trật tự; Di dời chuồng bò ra khỏi nhà sàn; Thanh niên với phong trào thể dục thể thao, văn nghệ.
|
Các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Sa Thầy đã tạo những chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn giống cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nuôi trồng và chăm sóc từ đó vươn lên thoát nghèo. Thông qua các mô hình, đồng bào DTTS đa số đã biết tự cải tạo vườn tạp, trồng rau, cây ăn quả, bón phân vi sinh. Bên cạnh đó, các hủ tục, phong tục không còn phù hợp cũng dần xóa bỏ; các phong tục phù hợp được giữ gìn, bảo tồn và phát huy tại địa phương.
Bà Phan Thị Hà Tiên - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Thời gian qua, Huyện ủy đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” gắn với Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" và đã đạt được những kết quả tích cực; đã tạo nhiều chuyển biến trên địa bàn huyện nói chung và tại các thôn đồng bào DTTS nói riêng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và đời sống người dân.
Trong thời gian tới, Huyện ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường hơn nữa các giải pháp để triển khai hiệu quả phong trào“Dân vận khéo”. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động tại cơ sở; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân; giải quyết kịp thời, hiệu quả những điểm nóng, phức tạp trong cộng đồng dân cư; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân – bà Phan Thị Hà Tiên cho biết thêm.
Thanh Tú