Ra Giêng
Mới hôm nào mong mau mau đến Tết để được trở về nhà mà bây giờ đã ra Giêng. Xung quanh đề tài “ra Giêng” này cũng có biết bao câu chuyện để kể.
Từ khi còn tất bật chuẩn bị đón Tết thì ba mẹ tôi đã bắt đầu lo những chuyện lúc ra Giêng.
Mẹ tính làm nhiều loại bánh mứt truyền thống để ra Giêng gửi con cháu mang theo. Còn ba, nghe nói thực phẩm bây giờ không an toàn thì tính ngay đến việc ra Giêng vun thêm mấy giồng đất để trỉa luống đậu xanh, đậu đen lấy hạt cho mẹ làm bột ngũ cốc dùng trong gia đình.
Chị gái thì bàn tính với ba mẹ ra Giêng đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc để mở rộng hoạt động kinh doanh buôn bán.
Mà không chỉ nhà tôi, ở quê, gần như nhà nào cũng vậy, trong Tết là đã lo xa đến chuyện ra Giêng như thế. Nói là lo xa vậy thôi chứ thật ra giống như một dự định, kế hoạch công việc làm để bắt đầu cho một năm mới.
Mẹ kể, sáng 25 Tết, đang chuẩn bị nguyên liệu để vài ngày nữa làm bánh in, ba đã nhắc nhớ làm nhiều bánh một chút để ra Giêng còn gửi cho con, cho cháu.
Đúng là ở quê thì mấy món bánh truyền thống này thấy cũng bình thường, chứ ở thành phố làm gì có, nhất là trong thời đại ngày nay mọi thứ đều được mua sắm. Bánh in dẫu có bán ngoài thị trường nhưng làm sao thơm ngon như bánh nhà làm được.
|
|
Trước Tết, con dì Ba tôi ở miền Nam gọi điện về cho mẹ tôi hỏi: “Tết năm nay dì có làm bánh in không? Nếu có, ra Giêng có người vào, dì gửi cho con với. Đã lâu rồi con không được thưởng thức bánh in, con nhớ món bánh đậm đà hương vị quê hương này lắm”.
Mẹ tôi nghe thế thì rất vui. Trong những phần bánh mứt để dành cho con, mẹ không quên phần để dành cho cháu.
Để làm nên chiếc bánh in, mẹ mua nếp về rang vàng rồi xay thành bột. Bột nếp rất khô nên để đóng thành bánh, mẹ phải phơi sương vài đêm rồi mới mang ra làm.
Nguyên liệu để đóng bánh in ngoài bột nếp, đường, thì không thể thiếu mè đen, bột quế để làm nhân bánh. Bột nếp đã thơm, thêm mè đen rang, bột quế giã nhuyễn trộn đều mùi thơm càng sực nức. Bánh đóng xong được mẹ mang đi sấy hoặc phơi nắng, làm như vậy có thể để đến hết tháng Giêng ăn vẫn còn thơm ngon.
Tết nhất nhiều bánh mứt, nên bánh in để ra Giêng thưởng thức càng thấy ngon.
Kể chuyện ra Giêng, lại nhớ nhà bác tôi. Tết năm nay vì bận công việc nên anh chị con bác không về quê ăn Tết được. Ấy thế mà nghe đâu bác vẫn chia với hàng xóm cả nửa con heo. Hỏi ra mới biết, bác chia nhiều thịt heo như thế là làm món thịt heo ngâm nước mắm, để ra Giêng gửi vào thành phố cho các con.
Món thịt heo ngâm mắm là món “đặc sản” ở quê tôi, nhất là với những người con xa quê, mỗi khi ra Giêng rời nhà đều được người thân gói ghém cho vài hũ để làm quà. Hết Tết, thực phẩm trong nhà cũng ngót dần, những món quà quê như thế được gửi lên thành phố, ai cũng thấy ngon, thấy lạ miệng, thấy thích.
Ra Giêng, cùng với việc tiễn con cháu đi làm ăn xa, người người nhà nhà ở quê cũng bắt tay ngay vào công việc của những ngày đầu năm mới. Người người ra đồng thăm lúa, làm cỏ, bón phân cho cây trồng. Chợ quê, ra Giêng, mới mùng 3 Tết đã họp. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu, sau ba ngày Tết đã đồng loạt khai trương.
Thành ra, không khí tháng Giêng cứ náo nức đến lạ!
Sáng nay, tiễn tôi lên xe, ba cũng lật đật bắt tay ngay vào việc vun mấy giồng đất để trỉa đậu xanh, đậu đen lấy hạt cho mẹ chế biến bột ngũ cốc cho cả nhà dùng, vừa tiết kiệm vừa an toàn.
Ngày trước, khi cây cối quanh nhà chưa nhiều, ra Giêng, ba còn trồng cả đám bình tinh để kịp đến tháng hè lấy bột cho cả nhà uống giải khát. Nói chung, dù bây giờ đã lớn tuổi nhưng ba vẫn quen với việc của nhà nông nên ra Giêng phải tìm những công việc gì đó để làm.
Không khí ra quân đầu năm ở quê tôi cũng rất náo nức, phấn khởi. Bà con nhân dân thi đua lao động sản xuất, chứ chẳng ai còn suy nghĩ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” như ngày trước.
Thấy mọi người hừng hực khí thế ra quân đầu năm, tự nhiên cảm giác muốn níu kéo mùa Xuân, níu kéo thời gian để được ở lại quê nhà dài ngày hơn trong tôi cũng tan biến.
Cho nên, dù có buồn vì lại phải xa nhà, nhưng tôi tự nhủ với bản thân mình: Thôi, nghỉ Tết như vậy đã là đủ rồi, phải lên đường thôi để bắt tay vào công việc của một năm mới với những dự định, kế hoạch còn đang ấp ủ.
Sông Côn