Quan tâm chăm lo Tết cho người dân
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, người dân nào cũng có Tết, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã huy động nguồn lực, triển khai nhiều hoạt động chăm lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Y Puối, năm nay hơn 80 tuổi, ở thôn Đăk Vang (xã Sa Loong, huyện Sa Thầy). Tuổi cao, sức yếu nên bà chỉ làm được vài việc lặt vặt trong nhà. Con cái lớn đều lập gia đình nhưng kinh tế khó khăn nên cũng không giúp được bà là mấy. Nhận được quà Tết của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, bà rưng rưng nói: Bà mừng lắm, quà này để dành đón Tết. Bà cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm.
Xã Sa Loong là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, thuộc vùng biên giới, đồng bào DTTS chiếm trên 85% dân số. Tuy nhiên, xã đã phấn đấu, phát triển mạnh mẽ và đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023. Công tác giảm nghèo được thực hiện quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,8% (60 hộ), hộ cận nghèo còn 2% (33 hộ). Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Nhân dân chăm chỉ lao động sản xuất, nâng cao đời sống; thu nhập bình quân năm 2024 tăng cao, đạt 53 triệu đồng/người.
|
Ông Nguyễn Hữu Bảng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết, nhìn chung đến thời điểm hiện tại công tác chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn được triển khai kịp thời, đảm bảo.
Cụ thể, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm, vận động được hơn 110 suất quà và tiền mặt với tổng trị giá trên 42 triệu đồng. Ngoài ra, kinh phí nhà nước hỗ trợ 6 thôn 24 triệu đồng (4 triệu đồng/thôn). Riêng thôn Bun Ngai được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh gắn với Lễ hội Cầu mùa “Harap” của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Ca Dong).
Ngoài ra, chính quyền xã đã khảo sát, thống kê, lập danh sách 90 hộ/271 khẩu đặc biệt khó khăn có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán do ảnh hưởng của thiên tai, giáp hạt đề nghị tỉnh hỗ trợ gạo.
Để người dân nào cũng có Tết, ngay từ cuối năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai công tác an sinh xã hội, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán đầy đủ, đầm ấm. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân trên địa bàn tỉnh đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả; tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
|
Chỉ đạo các địa phương chủ động cân đối ngân sách để hỗ trợ 1.157 hộ/3.415 khẩu có nguy cơ thiếu đói tại các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Ia H’Drai, Sa Thầy, Kon Plông và thành phố Kon Tum với 51,225 tấn gạo.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh 105,195 tấn gạo để cấp cho 2.283 hộ/7.013 khẩu có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2025.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí cho các đơn vị, địa phương thực hiện kế hoạch thăm chúc Tết, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán và một số đối tượng chính sách khác với tổng số tiền 13,549 tỷ đồng; thăm hỏi và tặng quà tại các trung tâm bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập của tỉnh.
Song song với thăm, tặng quà hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cấp, ngành, địa phương còn quan tâm chi trả trợ cấp và tiền quà của Chủ tịch nước cho đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn các huyện, thành phố; trong đó, 4.270 suất quà của Chủ tịch nước với kinh phí 1,292 tỷ đồng; 100 suất quà của tỉnh tặng, mỗi suất 1,5 triệu đồng.
Với sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và các nhà hảo tâm, đảm bảo mọi người dân đều được vui Xuân, đón Tết trong không khí an lành, ấm áp, đủ đầy.
HOA BAN