Phản hồi bài báo “Dinh Tỉnh trưởng Kon Tum bị phá bỏ”
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum triển khai xây dựng Hội trường Tỉnh ủy và trụ sở làm việc của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy trong khuôn viên Tòa hành chính tỉnh Kon Tum trước đây. Tuy nhiên, trên một số tờ báo ngành có đăng tải bài viết “Dinh Tỉnh trưởng Kon Tum bị phá bỏ”, với lối viết nêu vấn đề sau đó bỏ lửng giữa chừng, dễ tạo nên sự hiểu lầm, gây dư luận không tốt trong xã hội. Thực chất, việc xây dựng trụ sở Tỉnh ủy hoàn toàn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh.
Trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy nguyên là trụ sở Tòa hành chính tỉnh Kon Tum (không phải Dinh Tỉnh trưởng) do chế độ cũ xây dựng vào khoảng năm 1960-1961. Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), chính quyền cách mạng tỉnh Kon Tum tiếp quản và sử dụng. Hiện nay nằm trong khu trụ sở của Tỉnh ủy và một số ban xây dựng đảng.
Quá trình sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, hư hỏng nên phải sửa để đảm bảo yêu cầu làm việc.
Trước thực trạng đó, Văn phòng Tỉnh ủy đã phối hợp với các ngành chức năng (Sở Tài chính, Sở Xây dựng) rà soát, đánh giá lại hiện trạng toàn bộ các cơ sở nhà đất của Tỉnh ủy hiện do Văn phòng Tỉnh ủy quản lý, trong đó có trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Sau khi đánh giá, liên ngành khẳng định trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xuống cấp nghiêm trọng (bê tông nứt rạn, cốt thép bị đứt nhiều chỗ...), chất lượng còn 45%, không đảm bảo điều kiện, an toàn để làm việc.
|
Khoản 3, Điều 4 Luật Di sản văn hóa quy định: “Di tích lịch sử văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”. Như vậy, một điều hết sức rõ ràng là trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên là Tòa hành chính tỉnh Kon Tum (thuộc chế độ ngụy quyền), không phải là di tích lịch sử - văn hóa.
Và từ trước đến nay, trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nguyên là Tòa hành chính tỉnh Kon Tum (thuộc chế độ ngụy quyền) chưa bao giờ được cơ quan có thẩm quyền công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Về phía địa phương, tỉnh Kon Tum cũng chưa bao giờ có chủ trương đưa công trình trên vào danh sách cần bảo tồn.
Hiện nay, trụ sở Tỉnh ủy có 2 hội trường, trong đó 1 hội trường (khoảng 50 chỗ) được bố trí phục vụ cuộc họp, làm việc của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; 1 hội trường (khoảng 80 chỗ) được bố trí phục vụ các cuộc họp của Tỉnh ủy. Tuy nhiên, diện tích của 2 hội trường này tương đối nhỏ, trang thiết bị không đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu khi tổ chức các cuộc họp, làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, nhất là tổ chức các cuộc làm việc với Trung ương, hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, hội nghị cán bộ chủ chốt.
Mặt khác, trụ sở làm việc của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy được đầu tư xây dựng từ lâu và đã xuống cấp, cơ sở vật, hạ tầng được trang bị không đồng bộ, lạc hậu, lỗi thời, công năng sử dụng không phù hợp (trụ sở làm việc của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được đầu tư, xây dựng từ năm 1993, các phòng làm việc có diện tích nhỏ, hiện đã xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng, không đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác của cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy).
Bên cạnh đó, theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, tỉnh triển khai việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ “Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công”.
Do vậy, để đảm bảo phục vụ tốt các cuộc hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, nhất là tổ chức các cuộc làm việc với Trung ương, hội nghị cán bộ chủ chốt và yêu cầu công tác nhằm phù hợp với không gian kiến trúc, mỹ quan khuôn viên chung trong trụ sở Tỉnh ủy nên việc xây mới các hội trường của Tỉnh ủy và trụ sở làm việc cho các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy là hết sức cần thiết, đảm bảo cho hoạt động chung của Tỉnh ủy, góp phần từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng, cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, công chức, không gian kiến trúc và tiện nghi, nâng cao tính thẩm mỹ, bảo đảm ý nghĩa quan trọng về chính trị của công trình, tạo điểm nhấn về mặt kiến trúc, cảnh quan đô thị khu vực và diện mạo thành phố Kon Tum.
Trên cơ sở đề nghị của Văn phòng Tỉnh ủy và các ngành chức năng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận thấy: Việc đầu tư xây mới các hội trường của Tỉnh ủy và trụ sở làm việc cho các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy là hết sức cần thiết. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương cho triển khai dự án Xây dựng mới hội trường Tỉnh ủy, các phòng họp và Trụ sở làm việc các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy.
Đồng thời, trụ sở làm việc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy không thuộc danh mục các công trình cần bảo tồn nên việc phá dỡ để triển khai dự án là phù hợp.
Dự án trên sau hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng sẽ được sắp xếp bố trí trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (chung trong khuôn viên trụ sở Tỉnh uỷ), phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, gắn với kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về triển khai việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ “Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công”.
Dương Đức Nhuận