“Nước rút” xóa nhà tạm
Chỉ còn hơn 5 tháng để tỉnh ta hoàn thành mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh (vào tháng 6/2025). Như vậy, để “chạy nước rút” hoàn thành mục tiêu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung cao độ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thực hiện chủ trương có ý nghĩa quan trọng và nhân văn xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 9/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ và xuất phát từ thực tế, tỉnh ta đặt ra mục tiêu đến hết tháng 6/2025 hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh.
Như vậy, tỉnh ta là 1 trong 7 địa phương trên cả nước (gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Tây Ninh, Long An) xác định hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong quý II/2025, sớm hơn yêu cầu của Chính phủ.
Để lãnh đạo thực hiện, ngày 11/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1350-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng Ban; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng Ban.
|
10 huyện, thành phố và 102 xã, phường, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát; ban hành quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo; ban hành kế hoạch triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Hưởng ứng phong trào mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm.
Người dân tích cực tham gia với tinh thần "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", tạo nên sự lan tỏa sâu rộng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trong thời gian ngắn, đã có hàng trăm ngôi nhà được xây mới, sửa chữa, đáp ứng tiêu chuẩn "ba cứng" (gồm nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), với tổng kinh phí nhiều tỷ đồng, ở khắp các thôn, làng, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Thống kê mới nhất cho thấy, đến nay, với nguồn kinh phí Trung ương, địa phương, sự quyên gióp, hỗ trợ, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, các huyện, thành phố triển khai xóa 373 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó, xây mới 324 căn, sửa chữa 49 căn, đạt 13,5% so với mục tiêu đề ra.
Theo Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/1/2025 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh còn 2.752 hộ cần được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó nhu cầu xây mới 2.186 căn; sửa chữa 566 căn. Tổng kinh phí để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát là 141,54 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ còn hơn 5 tháng để “chạy nước rút” hoàn thành mục tiêu đến hết tháng 6/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong toàn tỉnh, với khoảng hơn 2.370 căn (cả xây mới và sửa chữa).
Đây là yêu cầu rất cao, bởi không chỉ phải bảo đảm kịp tiến độ mà còn phải bảo đảm chất lượng, đòi hỏi phải tập trung cao độ chạy “nước rút”; khó khăn về kinh phí đang là “rào cản” lớn, khi mới đáp ứng được hơn 86,8 tỷ đồng, cần tiếp tục huy động khoảng 54,71 tỷ đồng.
|
Mới đây, ngày 10/2, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) tiến hành phiên họp thứ 2 với sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Trang- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo. Dự phiên họp có các đồng chí: Lê Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Việc Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức phiên họp ngay trong những ngày đầu năm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với giai đoạn “nước rút” này.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh tại phiên họp, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và các nguồn lực của địa phương mới chỉ đảm bảo được 61% tổng nhu cầu kinh phí thực hiện; các huyện, thành phố còn khó khăn về nguồn lực kêu gọi tại chỗ để xóa nhà tạm, nhà dột nát, nguồn lực chủ yếu chờ từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ.
Đáng chú ý là một số địa phương chưa sát sao, quyết liệt chỉ đạo thực hiện và công tác triển khai chậm. Tại phiên họp ngày 10/2, cùng với việc biểu dương các địa phương đã triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, đồng chí Dương Văn Trang- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đã phê bình thẳng thắn số địa phương này.
Tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đánh giá có trọng tâm, trọng điểm, nhất là về thực trạng triển khai chương trình tại cơ quan, địa phương, nơi nào làm tốt thì chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý; nơi nào làm chưa tốt thì phân tích nguyên nhân; làm rõ những khó khăn, vướng mắc là rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó đôn đốc, nhắc nhở, đặc biệt là rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Bên cạnh đó, các cơ quan, địa phương cần triển khai và đề xuất, tham mưu các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đột phá mạnh mẽ trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ kết quả”, nhất là trong huy động nguồn lực và giải quyết khó khăn, vướng mắc
Tiếp tục đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Vận động các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn. Người dân, hộ gia đình được hỗ trợ phải tự đảm bảo một phần.
Hồng Lam