Những ngày tháng không quên
Những ngày tháng Tư hàng năm, kỷ niệm một thời binh lửa “gian lao mà anh dũng”, về ngày toàn thắng lại ùa về trong tâm trí đại tá Quyền Đình Phong- nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, nay là Quân đoàn 34), hiện đang sống tại Tổ 4, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum).
|
Được thành lập ngày 20/9/1972, Sư đoàn 10 đã trở thành “quả đấm thép” trong đội hình của Quân đoàn 3, lập nhiều chiến công lớn, là mũi nhọn thọc sâu quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm không thành, tưởng rằng mong muốn được gặp gỡ những cựu chiến binh Sư đoàn 10 đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để nghe chính những “người trong cuộc” kể chuyện về những ngày tháng hào hùng ấy đã tan thành mây khói, thì bất ngờ gặp lại đại tá Quyền Đình Phong.
Và trong buổi chiều cuối tháng 4 oi nồng, những ngày hào hùng, thần tốc hành quân, đánh địch của bộ đội ta 50 năm trước hiện về qua ký ức của vị đại tá già.
Bất cứ ai đã từng chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 10 đều nhớ mãi không quên những ngày tháng hào hùng ấy- đại tá Quyền Đình Phong mở đầu câu chuyện với lòng tự hào.
Sau khi đánh bại quân địch ở Đức Lập, Buôn Ma Thuột, đập tan các cuộc phản kích lớn của địch ở Phước An - Nông Trại - Chư Cúc, phá vỡ các cụm phòng ngự lâm thời của địch ở Khánh Dương, Phượng Hoàng-Ma Đrăc, Sư đoàn 10 tiến công trong hành tiến, thọc sâu, góp phần giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, tiến về Sài Gòn.
Ngày 25/4/1975, sư đoàn đã về đến vị trí tạm dừng ở Dầu Tiếng. Nhân dân ở đây bao năm bền gan chiến đấu, chịu bao nỗi đắng cay trước những cuộc càn quét và bom đạn của địch giờ đây chung sức cùng bộ đội đào hầm cho pháo, xây dựng trận địa; thanh niên, phụ nữ, các mẹ đều thức cùng bộ đội sửa lại công sự bị sạt lở do pháo địch, ngụy trang trận địa và nấu nước tiếp tế cho bộ đội- đại tá Phong xúc động nhớ lại.
Từ vị trí dừng chân, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành Sư đoàn 10 nhanh chóng vượt qua Đồng Dù đánh chiếm bàn đạp Hóc Môn sẵn sàng tiến quân vào nội thành đúng kế hoạch của chiến dịch. Sau nhiều trận đánh ác liệt, sư đoàn đánh chiếm thành Quan Nam, Hóc Môn; tiêu diệt cánh quân phản kích ở Phú Hòa Đông, Tân Quy, rồi vượt qua Đồng Dù, chiếm khu vực Tây Nam, Trại huấn luyện Quang Trung. Đúng 21 giờ ngày 29/4, bộ đội Sư đoàn 10 chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy 3km.
Đêm 29 rạng sáng 30/4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) bắt đầu tiến công tiêu diệt địch ở ngã tư Bảy Hiền, phát triển đánh chiếm cổng số 5, đột phá vào sân bay Tân Sơn Nhất. Và 11 giờ 30 phút, lá cờ quyết thắng tung bay trên đỉnh cột cờ cao vút trong sân bay.
Các mũi quân khác của sư đoàn, có xe tăng yểm trợ, nổ súng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Sau một trận đánh ác liệt, 8 giờ sáng 30/4 quân ta đã làm chủ trận địa, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc nhà “bộ não” Ngụy quân.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử ấy, giữa đội ngũ trùng điệp của bộ đội ta đang thần tốc, táo bạo “tiến về Sài Gòn quét sạch giặc thù” có chàng trai trẻ quê Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam) Quyền Đình Phong. Lúc bấy giờ anh là Tiểu đội phó Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 10.
Nhập ngũ tháng 6/1974, khi tròn 20 tuổi sau khi kết thúc thời gian huấn luyện, tháng 12/1974, Quyền Đình Phong và đồng đội hành quân thẳng vào chiến trường Tây Nguyên, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 66 (sư đoàn 10) ở khu vực Bắc Sa Thầy.
Bắt đầu từ đó, cuộc đời binh nghiệp của anh lính trẻ gốc Hà Nam gắn liền với những địa danh, những trận đánh đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng vang dội chiến công: tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột; hành quân thần tốc tiến đánh Nha Trang; đè bẹp lực lượng phòng thủ của Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Cam Ranh. Sau đó, Sư đoàn được lệnh quay ngược trở lại địa bàn Tây Nguyên theo hướng khác đánh xuống.
Trong thời gian này, tính ra Quyền Đình Phong và đồng đội đã phải cơ động hơn một nghìn kilômét từ Tây Nguyên xuống đồng bằng rồi từ đồng bằng ngược Trường Sơn đổ vào Sài Gòn. Vừa hành tiến vừa đánh địch, trong một trận chiến đấu dưới chân đèo Xông pha (đường 14 B), Quyền Đình Phong bị thương nhưng vẫn kiên quyết theo đơn vị tiến quân.
Đại tá Phong nhớ lại: Lúc này tinh thần của lính Ngụy đã rệu rã, hoang mang lắm rồi- dù trang bị, vũ khí của chúng vẫn khá đầy đủ và mạnh. Trong khi đó bộ đội ta đang hừng hực khí thế quyết tâm đánh địch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Là mũi thọc sâu, với sự yểm trợ mạnh mẽ của xe tăng, pháo binh, đơn vị của tôi nhanh chóng tiến vào nội đô. Càng vào sâu, địch càng kháng cự quyết liệt, nhiều trận đấu chiến xa đã diễn ra. Tại ngã tư Bảy Hiền, ổ kháng cự của địch đã bắn cháy một xe tăng của Trung đoàn 24, một số chiến sĩ hy sinh, càng thôi thúc chiến sĩ xông lên. 8 giờ sáng, bộ đội ta đã cơ bản làm chủ trận địa.
Trong khi lục soát các phòng làm việc của địch, bộ dội ta đã thu được bảng tên của Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Ngụy quân Cao Văn Viên. Và đặc biệt hơn, là thanh kiếm lệnh của viên tướng này đã bỏ lại trong lúc bỏ chạy ra nước ngoài.
Khi ấy, giữa đống đổ nát, giữa khét lẹt khói súng, ông và đồng đội đã ôm chặt lấy nhau, hô tên Bác Hồ khản cả tiếng, trên những gương mặt sạm đen khói súng long lanh những giọt nước mắt.
Họ khóc trong niềm vui chiến thắng. Khóc vì những đồng đội đã ngã xuống trong suốt hành trình. Khóc cho những đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh cuối cùng. Ông Phong cũng có một đồng đội tên là Thành (quê ở Tuyên Quang)- cùng gia nhập đội hình chiến đấu của Sư đoàn 10 một ngày với ông- ngã xuống ngay trước giờ thắng lợi.
Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, nhưng trong tâm trí vị đại tá già ấy vẫn như mới hôm qua. Rưng rưng nước mắt nhớ về những đồng đội đã hy sinh ông mong rằng, thế hệ hôm nay, được sinh ra, lớn sau trong hòa bình, hạnh phúc, phồn vinh sẽ luôn khắc ghi một điều: Hòa bình quý giá lắm. Bởi hòa bình được làm nên từ sự cống hiến, hy sinh của cả dân tộc. Vì vậy, phải giữ gìn bằng mọi giá!
Hải Lê