Nhớ ngày 7/5
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những trang sử hào hùng nhất, đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
|
Những năm trước, mỗi khi vào dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5, tôi thường tìm đến nhà một vài chiến sĩ Điện Biên ít ỏi đang sống ở thành phố Kon Tum, để xin được nghe chuyện đánh Điện Biên Phủ.
Như cụ Vũ Hữu Như, người được đào tạo kỹ thuật pháo binh ở Trung Quốc, Liên Xô. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ là Đại đội trưởng Đại đội 4 pháo binh, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Sư đoàn 351.
Hay cụ Đỗ Trọng Hòa, người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong đội hình Tiểu đoàn công binh 316 tham gia đánh đồi A1, C1, C2. Và cụ là 1 trong hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại đồi Him Lam sau giải phóng Điện Biên 2 ngày.
Nhưng sau đó cơ hội ngày càng ít dần, vì các cụ lần lượt về với “thế giới người hiền”. Dù vậy, những chuyện kể của các cụ vẫn lưu mãi trong ký ức, cùng lòng tự hào vô bờ bến.
Sáng nay, 7/5/2025, tôi ngồi đọc lại bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu từng thuộc lòng từ khi còn là học sinh trường làng. Như lần đầu, tôi vẫn say mê, vẫn cuốn theo tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe; lúc ào ào như sóng reo, thác cuốn, lửa cháy, khi tha thiết như lời tâm tình, rồi reo vui, hân hoan của bài thơ.
Và lại như thấy những ông, những bác, chú, cô trong đoàn quân “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non” suốt 56 ngày đêm mà “gan không núng, chí không mòn”.
Như thấy “Chiến sĩ Điện Biên” cống hiến máu, nước mắt và tuổi thanh xuân, vượt qua bao chông gai, máu lửa “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.
Như thấy “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”.
Để “rực trời đất Điện Biên toàn thắng” vào chiều 7/5/1954! Để Chiến thắng Điện Biên và Chiến sĩ Điện Biên là tượng đài bất tử!
Trong niềm hân hoan mừng kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đất và người Kon Tum còn có thêm niềm tự hào của riêng mình về những chiến công oanh liệt cách đây 71 năm, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum- tập 1 (giai đoạn 1930-1975), cách đây 71 năm, Kon Tum là điểm nổ tiếng súng đầu tiên trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần chia lửa với trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tư liệu về Kon Tum trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 cũng ghi rõ: Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Liên khu ủy khu V và Đảng ủy tư lệnh Liên khu quyết định chọn Đông Bắc Kon Tum là hướng chính trong kế hoạch tấn công lên Tây Nguyên Đông Xuân 1953-1954.
Mục tiêu của chiến dịch này là kiểm soát được thị xã Kon Tum và một số vị trí chiến lược quan trọng ở Bắc Tây Nguyên; tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; buộc Navarre phải bỏ dở cuộc hành quân Át-lăng, rút lực lượng lên ứng cứu cho Tây Nguyên khiến kế hoạch tập trung binh lực của Pháp bị phá vỡ, phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính Điện Biên Phủ.
23 giờ 30 phút ngày 27/1/1954, lúc bộ đội ở Điện Biên Phủ đang kéo pháo ra, thì tiếng súng cũng nổ giòn giã ở chiến trường Kon Tum. Bộ đội chủ lực ta nổ súng tấn công và chiếm lĩnh các vị trí Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih.
Chiến thắng Măng Đen, Măng Bút, Kon Praih có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thắng lợi của toàn chiến dịch Bắc Tây Nguyên Đông - Xuân 1953-1954. Hệ thống phòng thủ của địch hướng Đông Bắc tỉnh Kon Tum sụp đổ, cánh cửa tiến vào Bắc Tây Nguyên đã mở. Trên các hướng khác, quân ta cũng đồng loạt tấn công địch, giải phóng tuyến Đăk Tô, Đăk Glei, Đăk Hà.
Ngày 7/2/1954, ta tiến về giải phóng thị xã Kon Tum và truy kích cánh quân địch chạy về Plei Ku. Kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt 2.600 tên địch, thu trên 1.000 vũ khí các loại, 150 tấn đạn, giải phóng toàn bộ tỉnh Kon Tum rộng 14.000km2 gồm 20 vạn dân. Vùng giải phóng giáp giới 3 tỉnh tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và khu giải phóng Hạ Lào.
Chiến thắng Kon Tum là chiến thắng lớn đầu tiên trên chiến trường miền Nam, đánh dấu bước tiến bộ mới của bộ đội chủ lực Liên khu 5. Tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng, nối liền với những vùng tự do Liên khu V.
Ngày 14/2/1954, trong không khí phấn khởi, quân và dân tỉnh Kon Tum tổ chức mít tinh trọng thể mừng ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, chào mừng Ủy ban quân quản chính thức ra mắt nhân dân.
Đánh giá về ý nghĩa thắng lợi, trong thư chúc mừng chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã viết: “Thắng lợi Kon Tum là một thắng lợi lớn của ta trên chiến trường miền Nam, nó cũng là một trong những thắng lợi to lớn của ta trong mùa Xuân này trên chiến trường toàn quốc”.
Đại tướng gửi lời khen ngợi đồng bào, cán bộ chiến sĩ Mặt trận Kon Tum đã vượt qua gian khổ khó khăn, chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Với đóng góp to lớn ấy, trong đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), Kon Tum vinh dự được chọn là 1 trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ quyết thắng” trên toàn quốc.
|
Càng tự hào về lịch sử oai hùng, chúng ta càng quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết, nhất trí trong suy nghĩ và hành động, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, xây dựng quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng, đời sống nhân dân hạnh phúc, ấm no.
Hồng Lam