Ngày Giỗ tổ
Tình yêu đất nước và lòng tự hào dân tộc là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Cùng nhau nhớ về tổ tiên, hướng về đất Tổ cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.
Cho đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương, có thể khẳng định được thời Hùng Vương độc lập, tự chủ của người Việt là có thật; văn hoá Hùng Vương là văn hoá bản địa. Người Việt có cội nguồn, có Nhà nước của mình trên dải đất này từ buổi bình minh của lịch sử.
Người Việt Nam ta, từ thế hệ này qua thế hệ khác, có mấy ai mà không thuộc lòng từ tấm bé những câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, hay “Dù đi buôn bán gần xa. Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”.
Có mấy ai mà không có những ngày thơ ấu nằm nghe bà rì rầm kể trong những trưa hè hay đêm khuya các tích truyện “trăm trứng nở trăm con; 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên non”; Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, đội nón sắt, nhổ tre đằng ngà đánh tan giặc Ân, sau đó “bay” lên trời, trở thành một trong Tứ bất tử.
|
Rồi sự tích bánh chưng-bánh dày với chàng Lang Liêu hiếu thảo; cuộc thi kỳ lạ giành công chúa Mị Nương giữa Sơn Tinh với Thủy Tinh, thủy thần thua trận, nên tức giận kéo quân đánh lên núi Tản. Từ đó mới thành “năm năm báo oán, đời đời đánh ghen”.
Chuyện chàng Mai An Tiêm- con nuôi vua Hùng, vì câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” mà bị đày ra đảo hoang. Tại đây chàng đã tìm thấy và để lại cho đời sau giống dưa hấu ngọt lành, ruột đỏ, như tấm lòng son của người con với vua cha.
Những câu chuyện phủ sắc màu lung linh huyền thoại ấy được kể rì rầm suốt thời thơ ấu dần hình thành trong tâm hồn hạt giống tín ngưỡng về nguồn cội, về tổ tiên, về dòng giống Tiên-Rồng.
Những câu chuyện ấy được kể rì rầm thôi, nhưng thiêng liêng và có sức sống bền bỉ, vun đắp thành tín ngưỡng chung tổ tiên, cùng cội nguồn, vun đắp niềm tin về “anh em cùng một bọc sinh ra”.
Nhìn sâu vào chiều dài lịch sử, “vào bốn nghìn năm Đất Nước", như cách nói của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, biết bao thế hệ con người Việt Nam, trải qua "hàng ngàn lớp tuổi", đã gìn giữ đất nước này.
Sau thời các vua Hùng, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn , qua biết bao thăng trầm, nhiều triều đại, thể chế ở Việt Nam đã thay đổi, nhưng đất nước Việt Nam vẫn luôn được nhân dân bảo vệ “ngàn thuở vững âu vàng”.
80 năm trước, tháng Tám năm 1945, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta, từ Bắc tới Nam, “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, làm nên một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam- Cách mạng Tháng Tám. Từ đó, đất nước là do nhân dân tạo dựng, bảo vệ và làm chủ.
|
50 năm trước, tháng Tư năm 1975, cả nước bước vào cuộc tấn công thần tốc, khí thế ngùn ngụt, chiến công nối tiếp chiến công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử: “Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên/ Quét Huế - Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng/ Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên/Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nha Trang lũ ngụy cuống cuồng, rũ rượi một màu tang cờ trắng” (Toàn thắng về ta- Tố Hữu).
11 giờ 30 phút, ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, lịch sử đất nước sang trang mới.
Nền tảng của những chiến công chói lọi ấy, bên cạnh có Đảng, Bác Hồ soi đường dẫn lối; có đường lối cách mạng, đường lối chính trị - quân sự đúng đắn, lấy “chính nghĩa thắng hung tàn”, còn có sức mạnh vô bờ bến từ tinh thần yêu nước nồng nàn của mỗi người Việt Nam.
Mà một thành tố quan trọng hun đúc nên lòng yêu nước chính là tín ngưỡng về chung tổ tiên, cùng cội nguồn. Đồng bào ta vẫn tự hào là con Rồng cháu Tiên, cha là Lạc Long Quân và mẹ là bà Âu Cơ.
Cho nên đất nước luôn tiềm tàng mối quan hệ máu thịt giữa các thế hệ quá khứ, hiện tại và mai sau. Tất cả đều ý thức sâu sắc về nguồn gốc tổ tiên, không bao giờ được quên cội nguồn dân tộc. Người Việt lập làng ở đâu, sẽ làm Giỗ Tổ ở đó để cùng nhau tri ân công đức tổ tiên.
Cũng vì vậy, tín ngưỡng Giỗ Tổ luôn được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên và bền vững. Cha truyền con nối, thế hệ trước dặn dò thế hệ sau. Như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, chương “Đất nước” đã viết: “Hàng năm đi đâu, làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ”.
Giỗ Tổ, không chỉ là ngày hội quần tụ của cả dân tộc, còn là ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt, khẳng định sức mạnh giống nòi, và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.
Tín ngưỡng Giỗ Tổ luôn được truyền từ đời này sang đời khác một cách tự nhiên và bền vững. Vì vậy, cùng với những tín ngưỡng tốt đẹp khác, Giỗ Tổ góp phần đặc biệt quan trọng làm nên văn hóa Việt, trở thành “vòng bảo vệ” vững chãi trước mọi sự “xâm lược” văn hóa khác.
Từ năm 2007, Quốc hội chính thức công nhận ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày Quốc Giỗ, một trong những ngày quốc lễ chính thức trong năm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ làm, hưởng lương. Hẳn rằng, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có ngày Quốc Giỗ.
Ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam ta.
Tình yêu đất nước và lòng tự hào nguồn cội là những thứ tồn tại vĩnh hằng trong mỗi người. Ngày Giỗ Tổ là để cùng nhau nhớ về tổ tiên; cũng chính là để nhắc nhở nhau trách nhiệm tiếp tục giữ gìn và phát huy thành quả của cha ông bền vững cho muôn đời sau.
Tình yêu ấy, lòng tự hào ấy sẽ tiếp thêm sức mạnh để dân tộc ta, đất nước ta vững tin hiện thực hóa khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Hồng Lam