Nâng cao đời sống cho phụ nữ vùng biên Ia H’Drai
Trong thời gian qua, các cấp hội LHPN huyện Ia H’Drai đã có nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời, đồng hành cùng phụ nữ vùng biên, giúp chị em có thêm động lực vươn lên.
Đưa chúng tôi đến thăm mô hình sinh kế trồng cây ăn trái, chị Nguyễn Thị Hồng Diễm –Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Đal cho biết: Gia đình hội viên Lê Thị Kiều Loan có hoàn cảnh khăn, là hộ nghèo của xã. Sau khi tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh, vừa qua, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ chị 6,5 triệu đồng thực hiện mô hình trồng sầu riêng.
Chị Loan niềm nở chia sẻ: Khi gia đình đang bế tắc, các cấp hội Phụ nữ đã kịp thời giúp đỡ, động viên, hỗ trợ nên mình mới có điều kiện, động lực phát triển kinh tế. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Hội và đóng góp của gia đình, hiện gia đình có hơn 80 cây sầu riêng. Hội đã cử cán bộ đến trực tiếp hướng dẫn gia đình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Qua theo dõi, sau gần 1 năm trồng, cây sầu riêng phát triển rất tốt.
|
Không chỉ chị Loan, thời gian qua, thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" cùng với nguồn quỹ của Trung ương Hội, Hội LHPN các cấp đã phối hợp thành lập và trao vốn 100 triệu đồng cho 10 hội viên tham gia mô hình “Tổ hợp tác phụ nữ chăn nuôi heo sọc dưa sinh sản” tại xã Ia Dom; phối hợp với BĐBP hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản trị giá 10 triệu đồng, 1 cặp heo giống trị giá 3 triệu đồng cho chị em phụ nữ nghèo tại xã Ia Đal.
Quan tâm đến đời sống của hội viên phụ nữ, các cấp hội phụ nữ còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Theo đó, Hội LHPN huyện đã tặng quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo trị giá 18,8 triệu đồng; thăm tặng quà cho 5 chị hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2024; thăm hỏi khi ốm đau. Đồng thời, thực hiện chương trình Mẹ đỡ đầu, nhận đỡ đầu 1 cháu mồ côi tại xã Ia Đal với sự hỗ trợ 500.000 đồng/tháng và hỗ trợ về nhu yếu phẩm, quần áo, đồ dùng học tập.
Đồng thời, các cấp hội phụ nữ huyện tổ chức rất nhiều các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh. Nổi bật là hoạt động Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được quan tâm triển khai thực hiện. Đến nay, các cấp hội đã kiện toàn, thành lập 21 tổ truyền thông cộng đồng, 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi. Riêng trong năm 2024, các cấp hội tổ chức được 21 cuộc chiến dịch truyền thông về nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại 21 thôn trên địa bàn huyện, có hơn 1.365 người tham gia; tổ chức 53 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, vận động xóa bỏ phong tục không còn phù hợp, ảnh hưởng đến đời sống, lao động, sản xuất. Hội LHPN huyện tổ chức Hội thi truyền thông về xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cấp huyện.
|
Cùng đó, các cấp hội xây dựng các mô hình điểm: “Gia đình hạnh phúc” tại thôn 1, xã Ia Dom; “Gia đình không sinh con dày, không sinh nhiều con” tại thôn 3, xã Ia Đal và “5 hộ/xã” trong thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại xã Ia Tơi; thành lập mới mô hình “Biến rác thành tiền” tại xã Ia Tơi; duy trì mô hình “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao cho hội viên, phụ nữ nhằm khuyến khích, động viên tinh thần chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia các phong trào tập luyện thể dục thể thao, từng bước xây dựng hình ảnh người phụ nữ tự tin, tự trọng, sáng tạo, khát vọng vươn lên.
Chị Hồ Thị Đào- Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia H’Dai cho biết: Các mô hình, chương trình trên địa bàn huyện Ia H’Drai đã tạo những chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Với những hoạt động hỗ trợ kịp thời, chị em phụ nữ đã có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no. Họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; lựa chọn giống cây, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương để nuôi trồng và chăm sóc từ đó vươn lên thoát nghèo. Thông qua các mô hình, hội viên, phụ nữ biết làm ăn, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các hủ tục, phong tục không phù hợp cũng dần được xóa bỏ; các phong tục đẹp được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Thanh Tú