Một số giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện Cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm
Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 9,6 ngàn km2, bao gồm 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, với dân số hơn 540.000 người, trong đó đồng bào DTTS (ĐBDTTS) chiếm 54,6%, có 7 DTTS tại chỗ l gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié-Triêng, Rơ Măm, Brâu và Hre (Hrê).
Có 5 tôn giáo chính gồm: Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Tin lành và Phật giáo Hoà Hảo, với hơn 200.000 tín đồ, chiếm khoảng 42% dân số của tỉnh (trong đó có trên 150.000 tín đồ là đồng bào DTTS). Toàn tỉnh có 9 huyện và 01 thành phố; 102 xã, phường, thị trấn; 756 thôn, làng, tổ dân phố (gọi chung là khu dân cư).
Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3 đến 5% theo từng năm, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần giúp người nghèo, đồng bào DTTS có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa..., nhiều hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo nói chung, giảm nghèo trong đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; một bộ phận đồng bào DTTS trình độ nhận thức và tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế, còn chịu sự ảnh hưởng của một số hủ tục; ý thức tự lực vươn lên chưa cao, một bộ phận còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước, chưa biết tính toán hợp lý trong chi tiêu; lao động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiện, khí hậu; thiên tai, dịch bệnh, giá cả nhiều mặt hàng nông sản không ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, dẫn đến công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS chưa thật sự bền vững.
Thực hiện Kết luận 08-KL/TU, ngày 24/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chủ trương triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh, ngày 25/02/2021, Đảng đoàn Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Chương trình số 01/CTr-ĐĐMT triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; đồng thời chỉ đạo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành các văn bản để triển khai Cuộc vận động.
|
Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động theo Kết luận 08 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện uỷ, thành uỷ đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn; thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Cuộc vận động. Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố đã chủ động tham mưu cấp uỷ, phối hợp với UBND, các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành các văn bản triển khai Cuộc vận động trên địa bàn; đồng thời hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng giao ước thi đua thực hiện Cuộc vận động, xây dựng kế hoạch cụ thể hoá các nội dung tuyên truyền, vận động, việc xây dựng mô hình điểm, xác định rõ phương pháp, cách thức tuyên truyền, lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với đặc thù địa phương, cơ sở.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên cùng cấp đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ĐBDTTS về mục đích, nội dung và ý nghĩa của Cuộc vận động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương, cơ sở. Triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Biên soạn Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các chuyên trang, phóng sự tuyên truyền, vận động về Cuộc vận động, đặc biệt là phóng sự về gương điển hình ĐBDTTS tiêu biểu trong việc làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy) và xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), thu hút trên 350 ĐBDTTS nghèo và cận nghèo về dự; đã tổ chức được 24 hội nghị tuyên truyền Cuộc vận động lồng ghép trong việc duy trì các mô hình điểm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia.
Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố đã tập trung tuyên truyền sâu rộng đến 100% các hộ ĐBDTTS thông qua các cuộc họp của thôn, làng, tổ dân phố, sinh hoạt các đoàn thể ở khu dân cư; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, phát huy vai trò của dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư trong việc vận động nhân dân tham gia thực hiện; vận động ĐBDTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn trái, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Các đoàn thể chính trị - xã hội xác định công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Cuộc vận động là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình; vì vậy đã lồng ghép triển khai nhiều nội dung, phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn khởi nghiệp, vận động ĐBDTTS tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích; phát tờ rơi, qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, qua các trang website, nhóm zalo, Facebook, xây dựng các phóng sự tuyên truyền…
Qua thực tế triển khai, cần thực hiện tốt một số giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”:
Một là, ban hành các văn bản thực hiện Cuộc vận động gắn với các chương trình, nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến công tác giảm nghèo và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS.
Hai là, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Tiếp tục khảo sát hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động đối với các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ba là, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng hộ nghèo và từng địa phương cơ sở; đưa nội dung của Cuộc vận động vào chương trình tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nội dung Sổ tay tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả; lồng ghép tuyên truyền các chính sách an sinh xã hội hiện hành với nội dung của Cuộc vận động, các phong trào, cuộc vận động khác do Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì và đang triển khai thực hiện.
Năm là, xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện các nội dung cuộc vận động gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sáu là, phân công cụ thể từng cán bộ, đảng viên, cộng tác viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn hướng dẫn hỗ trợ hộ nghèo. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên tại cơ sở và địa bàn dân cư.
Bảy là, tranh thủ, huy động các các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, chú trọng xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động; đồng thời thường xuyên sơ kết đánh giá kết quả, biểu dương và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện Cuộc vận động.
Tám là, tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm triển khai Cuộc vận động giữa các địa phương trong tỉnh và cho các hộ nghèo tiếp xúc trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, kết nghĩa giúp đỡ nhau để ngày càng có nhiều mô hình hay trong thực hiện Cuộc vận động.
La Ngọc Hùng