Một lần đến Địa đạo Vịnh Mốc
Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng lần này chúng tôi đã được mắt thấy tai nghe khi đến tận nơi tham quan, khám phá Địa đạo Vịnh Mốc cùng với Đoàn Hội Nhà báo tỉnh đi thực tế tại Quảng Trị và một số tỉnh ở miền Trung. Đến thăm Địa đạo Vịnh Mốc, chúng tôi cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Quảng Trị trong những năm chiến tranh.
Hơn 7 giờ sáng, một ngày cuối tháng 7, xe đưa chúng tôi từ thành phố Đông Hà, theo Quốc lộ 1A hướng ra phía Bắc, rồi rẽ vào nhánh đường nhỏ xuống biển đến Địa đạo Vịnh Mốc, thuộc địa phận thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, cách bãi tắm Cửa Tùng 7 km về phía Bắc. Trên con đường rợp bóng tre xanh mát, có lẽ ít ai biết được rằng trong giai đoạn từ năm 1965-1972, trong kế hoạch mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại, với mục tiêu phá hoại mảnh đất này không còn sự sống, quân đội Mỹ và tay sai đã dội xuống Vĩnh Linh hàng trăm ngàn tấn bom đạn. Theo số liệu thống kê, từ năm 1964 - 1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống Vĩnh Linh hơn nửa triệu tấn bom các loại. Trong đó, có loại có mức độ công phá và sát thương lớn như bom đào, bom khoan, bom bi, bom napan. Trên mảnh đất chưa đầy 820 km2, đã phải hứng chịu hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính bình quân, mỗi người dân ở khu vực này phải hứng chịu 7 tấn bom và 10 quả đại bác.
|
Từ cửa hầm số 1, chúng tôi theo hướng dẫn viên đi sâu vào trong địa đạo. Vừa đi hướng dẫn viên vừa giới thiệu và căn dặn chúng tôi cẩn thận kẻo lạc đường cũng như bước hụt xuống các hố sâu.
Theo lời giới thiệu, Địa đạo Vịnh Mốc có hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm kích thước 0.9m x 1.75m, dài 2.034m. Địa đạo có 13 cửa ra vào, trong đó có 6 cửa thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển và 3 giếng thông hơi.
Địa đạo Vịnh Mốc được chia thành 3 tầng: Tầng 1, cách mặt đất từ 8 - 10m, có chiều dài 421,82m. Tầng này dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn. Tầng 2, cách mặt đất từ 12 - 15m, dài 508,08m, là nơi sinh sống của dân làng và tầng 3, sâu cách mặt đất 20 - 23m, dài 130,35m, dùng làm kho chứa lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ cũng như phục vụ chiến đấu cho quân và dân Địa đạo Vịnh Mốc.
Dọc hai bên đường địa đạo khoét sâu 1,8m và rộng 0,8m thành những ô nhỏ, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3 - 4 người có thể sinh hoạt được. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường với sức chứa từ 50 - 60 người, dùng để làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ và một số công trình khác như: Bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm). Trong những năm chiến tranh ác liệt, 17 cháu bé đã ra đời tại đây.
Địa đạo Vịnh Mốc còn có hệ thống giao thông hào nối thông các làng hầm, địa đạo với nhau tạo nên một “hệ thống làng hầm” liên hoàn trong toàn khu vực. Từ năm 1965 - 1968, toàn huyện Vĩnh Linh đã đào được 2.098 km giao thông hào.
Giao thông hào vừa có tác dụng tránh bị thương vong bởi bom đạn có sức công phá và bán kính sát thương nhỏ, vừa để mọi người kịp thời đi lại phục vụ chiến đấu một cách linh hoạt hơn. Vì thế hệ thống giao thông hào này được đào khắp các thôn, xã trên địa bàn huyện Vĩnh Linh lúc bây giờ. Hệ thống giao thông hào được nối liền từ nhà đến đồng ruộng, từ hầm này đến hầm khác, từ thôn này đến thôn khác, từ xã này đến xã khác. Hệ thống giao thông hào ở Địa đạo Vịnh Mốc với thời điểm đó không chỉ dùng cho người đi bộ mà xe đạp cũng lưu thông được, thậm chí súc vật như trâu, bò, heo cũng di chuyển dưới giao thông hào nhằm đề phòng và giảm bớt rủi ro khi bom đạn dội xuống.
Với những giá trị lịch sử to lớn ấy, từ năm 1976, Địa đạo Vịnh Mốc đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia; năm 2014 được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Mạnh Thắng