Lớp cha trước, lớp con sau
Đẹp làm sao hình ảnh người cha mặc quân phục đứng bên cạnh cậu thanh niên chuẩn bị nhập ngũ. Nó làm ngân lên trong tôi hai câu thơ trong bài thơ Tiếng hát sang xuân của nhà thơ Tố Hữu: “Lớp cha trước lớp con sau. Đã thành đồng chí, chung câu quân hành”.
Sáng nay, anh họ tôi chia sẻ với tôi bức ảnh anh mặc quân phục chỉnh tề đứng bên cậu con trai cao lớn, kèm câu chú thích “khi cha nghỉ cũng là lúc con tiếp bước”.
Như vậy là năm nay, gia đình lớn của tôi có thêm một thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Thật ra, đây là một tin bất ngờ với nhiều người trong gia đình, bởi cháu mới tốt nghiệp đại học.
Nhìn nét tự hào trong mắt anh tôi, mấy ai có thể biết được, anh từng có nhiều đêm mất ngủ vì lo, vì giận, khi cháu quyết định viết đơn tình nguyện nhập ngũ, dù anh chị đã tìm được nơi làm việc phù hợp với chuyên ngành mà cháu được đào tạo.
Cũng xin được nói thêm rằng, anh họ tôi là con liệt sĩ. 46 năm trước, trong đoàn quân giải phóng lấm láp bụi đường tiến về giải phóng Sài Gòn có bố anh, tức là bác của tôi. Nhưng trong trận đánh cuối cùng tại Bộ Tổng tham mưu Ngụy, ông đã ngã xuống. Từ đó đến nay, trong bữa cơm Ngày Chiến thắng nhà anh, có sự náo nức mừng vui, cũng có những giọt nước mắt khóc thương người đã khuất.
|
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi ấy, tôi mới học hết cấp 2. Hôm anh lên đường, tôi và đám bạn đã đạp xe vượt quãng đường 15km lên sân vận động huyện để tiễn chân.
Ở quê tôi hồi ấy, nhập ngũ là một niềm vinh dự, tự nguyện xin nhập ngũ càng vinh dự hơn, được mọi người khen ngợi, và ngày tòng quân, cả làng nghỉ việc, rồng rắn kéo nhau đưa tiễn.
Đã quá lâu để tôi có thể nhớ chi tiết về buổi tiễn quân ấy. Nhưng nhìn chung, đó là một ngày rất vui, rất náo nức, với cờ, với hoa và những bài hát rộn ràng từ loa phóng thanh. Tôi còn nhớ hồi ấy, đâu đâu cũng nghe giai điệu rộn rã, hào hùng của những bài hát như Lá Xanh, Bác đang cùng chúng cháu hành quân.
Khác với nhiều chàng trai mặt còn phính phính, ria mép lún phún, lúng túng, ngượng ngập trong bộ quân phục mới cứng, anh họ tôi anh ngó nghiêng khắp nơi, ra chiều hứng thú lắm.
Anh là con liệt sĩ, lại là con một, thế mà học xong cấp 3 anh xung phong nhập ngũ, dù là con trai một. Mẹ anh không đồng ý, chính quyền địa phương cũng cử người tới nhà khuyên anh ở nhà đi học, nhưng anh nhất quyết xin đi. Anh nằn nì mãi, bà cũng phải gật đầu.
Huấn luyện xong, anh được cử đi học sĩ quan và gắn bó với cuộc sống quân ngũ cho đến khi nghỉ hưu. Suốt mấy mươi năm, số ngày trọn vẹn anh ở bên vợ con trong năm đếm chưa hết hai bàn tay. Số lần anh có mặt ở nhà đón giao thừa với vợ con lại càng ít, đếm không hết một bàn tay.
Còn chị dâu tôi, như anh từng “nịnh” rằng “đấy là hậu phương lớn của tớ”, chồng đi xa dằng dặc, nhưng chưa bao giờ nghe chị phàn nàn. Một tay chị cáng đáng mọi việc lớn nhỏ trong nhà , vừa làm mẹ, vừa làm cha nuôi dạy 2 đứa con khôn lớn.
Thỉnh thoảng nhắc lại, anh vẫn cười: Hồi đó tau xung phong nhập ngũ, phần vì mê làm bộ đội quá.
|
Cũng không phải chỉ có anh mới mê bộ đội. Từ khi học ở trường làng, chúng tôi đã mê mẩn với hình ảnh chú bộ đội với ngôi sao trên mũ. Đôi khi, hình ảnh ấy hòa vào hình dáng bố tôi, chú tôi, các anh tôi, và rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng ngày ấy.
Gia đình lớn của tôi, bắt đầu từ kháng chiến chống Mỹ đến nay, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia gia nhập đội ngũ điệp trùng và oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bố tôi, bác ruột và chú ruột tôi cùng ở chiến trường. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chỉ có bố và chú trở về, còn bác ngã xuống ở Sài Gòn.
Trong đoàn quân tiến lên biên giới phía Bắc năm 1979 có con trai một người bác khác của tôi. Khi ấy anh mới 18 tuổi, lén viết đơn xin ra trận. Chỉ mấy tháng sau, gia đình nhận giấy báo tử. Anh hy sinh trong một trận đánh khốc liệt ở Lạng Sơn.
Đến giờ tôi vẫn nhớ vóc dáng cao lớn và nước da đen cháy của anh. Ở làng, anh có tiếng khỏe mạnh, giỏi việc, khéo miệng, mấy bà có con gái độ tuổi cập kê quý anh dữ lắm. Nhưng anh cũng nghịch ngợm có tiếng. Bác thường răn: Đủ tuổi, cho mi vô bộ đội, may ra mới hết phá.
Nếu tính cả đứa cháu mới trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm nay, thì gia đình lớn của tôi đã có thể lập thành một trung đội đủ quân- bố tôi từng nhẩm tính rồi tự hào nói. Ngay cả nhà tôi, hiện vẫn có một anh rể và một em rể đang trong quân ngũ.
Sau khi nhận được tin của anh, tôi đã gọi điện cho cháu hỏi chuyện. Cháu chia sẻ: Thật ra, trong cháu luôn chảy dòng máu của người lính. Cháu tự hào về truyền thống gia đình, và sẽ thấy hạnh phúc khi được cống hiến những ngày tháng tươi đẹp của tuổi xuân cho Quân đội, cho Tổ quốc.
Sau khi nộp đơn tình nguyện nhập ngũ, cháu thấy vui và hãnh diện vì được khởi đầu hành trình đầy ý nghĩa của tuổi trẻ, và tin rằng, Quân đội sẽ là môi trường học tập, rèn luyện lý tưởng của thế hệ trẻ hôm nay- cháu tâm sự.
Tôi tin cháu đã quyết định đúng. Và cũng tin thời gian trong quân ngũ, cháu sẽ được rèn luyện và trưởng thành.
Quan trọng hơn, cháu sẽ gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, tiếp tục hát vang khúc quân hành, sống như cha anh đã sống “vì nước vì dân”, xứng đáng với tên gọi đầy tự hào: “Bộ đội Cụ Hồ”.
Hồng Lam