Lan tỏa thực hành tiết kiệm
“Tiết kiệm là quốc sách” – khẩu hiệu mà hầu hết mọi người ai cũng biết, cũng nằm lòng, nhưng vấn đề thực hành tiết kiệm như thế nào và bắt đầu từ đâu thì thật là khó. Trong bối cảnh mà cơ hội luôn đan xen với những khó khăn, thách thức và ở từng địa phương, đơn vị rất cần nguồn lực để đầu tư phát triển thì việc nêu cao ý thức, lan tỏa thực hành tiết kiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Nói về thực hành tiết kiệm, có người vẫn nghĩ phải tiết kiệm những chuyện lớn, việc lớn, phải ở những công trình, dự án, những hoạt động có kinh phí hàng nghìn tỷ đồng thì tiết kiệm mới mang lại hiệu quả. Nhưng như vậy là chưa đầy đủ, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu từ chính những việc nhỏ, chuyện trước mắt theo kiểu như cha ông ta vẫn hay nói “góp gió thành bão” cho đến những việc lớn, chuyện lâu dài.
|
Lấy đơn cử bắt đầu từ chuyện tiết kiệm điện. Ngày 8/6 mới đây, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 -2025 và các năm tiếp theo, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện. Để thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ mà Chỉ thị số 20 đề ra thì một yêu cầu tất yếu là mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, mỗi hộ gia đình phải luôn nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm điện. Nếu mỗi người vẫn suy nghĩ, tiết kiệm phải từ những việc lớn, còn mấy chuyện nho nhỏ như tắt bớt cái bóng đèn điện khi không sử dụng, không bật điều hòa ở mức nhiệt thấp…, cũng là tiết kiệm đấy nhưng chẳng đáng là bao thì câu chuyện người dân một số nơi khổ sở khi chịu cảnh mất điện vào những ngày hè nóng nực, câu chuyện công nhân ở các công ty, xí nghiệp phải dừng sản xuất vì mất điện, đình trệ đơn hàng sẽ vẫn còn tiếp diễn. Và tất nhiên, hậu quả của việc nơi thì lãng phí điện, dẫu chỉ là cái bóng, cái quạt nho nhỏ và nơi thì thiếu điện, chịu cảnh mất điện luân phiên, mất điện không báo trước, cộng gộp lại sẽ là chuyện lớn, rất lớn.
Không chỉ ở chuyện tiết kiệm điện, thời gian gần đây, trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, vấn đề chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trên các lĩnh vực luôn được chú trọng. Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, tỉnh ta luôn xác định tiết kiệm từ các khoản chi nhỏ, các việc nhỏ. Tỉnh ta đã đầu tư công nghệ, tăng cường họp trực tuyến để vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm được xăng, xe, công tác phí khi cán bộ phải tập trung về tỉnh, về trung ương tham dự họp. Chỉ đạo các ban ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Công tác điều hành quản lý dự toán chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; hướng dẫn thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chế độ, định mức, tiêu chuẩn để các cơ quan, đơn vị thực hiện; ban hành danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp tỉnh làm cơ sở để các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh áp dụng hình thức mua sắm tài sản theo phương thức tập trung góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước do giảm giá mua và giảm chi phí thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu.
|
Một số ngành, địa phương, đơn vị trong các dịp lễ, hội nghị, đại hội, cùng với việc tổ chức ngắn gọn, hiệu quả, đã nêu rõ quan điểm “thực hành tiết kiệm, không nhận hoa chúc mừng”. Một số cơ quan, đơn vị thực hành tiết kiệm điện, mua sắm, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng mặt trời. Chị em hội viên phụ nữ thực hành tiết kiệm, xây dựng các mô hình: “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất tiết kiệm” và từ nguồn tiết kiệm này đã giúp đỡ những chị em khó khăn, vừa động viên, khích lệ, vừa tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống.
Những giải pháp, việc làm đã triển khai trong thời gian qua cho thấy sự chuyển biến tích cực từ công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành, địa phương cho đến ý thức của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân trong thực hành tiết kiệm để góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh.
Bác Hồ đã nhắc nhở: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”. Trong bối cảnh khó khăn, kinh tế suy giảm do một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 thì yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” được đặt ra quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, nhiều góc độ.
Nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân bắt đầu từ những chuyện nhỏ, việc nhỏ như tắt bớt bóng điện, cho đến những việc lớn như làm sao để chấm dứt tình trạng đất để hoang hóa ở một số dự án, làm sao để sớm hoàn thành, đưa các dự án chậm tiến độ đi vào sử dụng. Và một điều quan trọng nữa, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không phải là phong trào, không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà trở thành văn hóa, ý thức tự giác, không qua loa đại khái, hình thức mà thấm sâu, lan tỏa vào cuộc sống một cách thực chất và hiệu quả.
Nguyên Phúc