Ký ức không phai trong lòng người lính
Hai điểm cao 1049 và 1015 nằm trên đỉnh đồi Sạc Ly ở huyện Sa Thầy từng là mảnh đất khốc liệt trong chiến tranh, giờ đã được phủ xanh bởi màu rừng đại ngàn. Những tượng đài tưởng niệm, tấm bia ghi công được dựng lên là nơi để người dân và thế hệ trẻ đến dâng hương, tưởng niệm và biết ơn. Đó không chỉ là sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, mà còn là lời nhắc nhớ về một quá khứ hào hùng, để từ đó nâng niu giá trị của hòa bình hôm nay.
|
Ngọn núi khắc ghi chiến công
Trong khói lửa của cuộc chiến tranh, nhiều trận đánh đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc. Trong đó, hai điểm cao 1049 và 1015, nằm tại địa bàn tỉnh Kon Tum, là những địa danh gắn liền với máu xương, sự hy sinh và chiến công chói lọi của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn 50 năm đã trôi qua, những người lính năm xưa giờ mái đầu bạc phơ vẫn không thể quên những ngày tháng chiến đấu quả cảm và đầy tự hào ấy. Và trong những lần trở lại chiến trường xưa, cảm xúc trong họ lại dâng trào, nghẹn ngào xen lẫn tự hào.
Năm 1972, chiến sự ở Tây Nguyên ngày càng trở nên ác liệt. Địch tăng cường lực lượng, lập tuyến phòng thủ dày đặc trên các điểm cao chiến lược nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta. Trong đó, điểm cao 1049 (còn gọi là Charlie) và điểm cao 1015 (được biết đến với cái tên Delta) là hai vị trí then chốt trong hệ thống phòng ngự của địch ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum.
Chiến dịch tấn công các điểm cao này diễn ra vào mùa Xuân năm 1972, trong khuôn khổ cuộc tiến công chiến lược của Quân giải phóng tại Tây Nguyên. Các đơn vị chủ lực của ta, gồm Sư đoàn 320, Sư đoàn 2 và các lực lượng đặc công, pháo binh, công binh đã phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, tổ chức tấn công vào tuyến phòng thủ của địch bằng sức mạnh tổng hợp.
Tại điểm cao 1049, nơi từng là căn cứ cố thủ kiên cố của quân đội Sài Gòn, các chiến sĩ ta đã vượt qua mưa bom bão đạn, đánh bật từng lớp phòng ngự dày đặc, bẻ gãy các đợt phản công của địch. Dù địa hình hiểm trở, quân địch cố thủ ngoan cố, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bộ đội ta đã làm nên chiến thắng vang dội, góp phần mở toang cánh cửa phía Tây Kon Tum.
Còn tại điểm cao 1015, chiến sự cũng diễn ra vô cùng ác liệt. Mặc dù địa hình nơi đây hiểm trở, rừng núi trùng điệp, địch bố trí nhiều hỏa điểm lợi hại, song cũng không thể làm lung lay ý chí sắt đá của người lính Cụ Hồ. Sau nhiều ngày chiến đấu bền bỉ, kiên cường, quân ta đã làm chủ hoàn toàn điểm cao này, tạo thế đứng vững chắc cho các bước tiến tiếp theo trong toàn mặt trận.
Chiến thắng tại Điểm cao 1015 và 1049 có ý nghĩa rất to lớn, mở màn cho Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên đất Tây Nguyên, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của địch, đánh bại âm mưu ngăn chặn của chúng, góp phần quan trọng, tạo thế phát triển cho toàn chiến dịch và tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh.
Những chiến công trên hai điểm cao không chỉ thể hiện tài nghệ quân sự xuất sắc, mà còn là minh chứng rõ ràng cho tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự hy sinh vô bờ bến của những người lính Cụ Hồ.
Trong những trận đánh đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Máu xương của các anh vùi trong lòng đất, tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc. Đó là những đau thương, mất mát lớn lao như trời biển. Tất cả chúng ta, sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
|
Cảm xúc nghẹn ngào của các cựu binh
Tháng 4 này, trong không khí mừng 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, gần 200 cựu chiến binh của Sư đoàn 320, cùng thân nhân liệt sĩ trở thăm lại chiến trường xưa trên mảnh đất Kon Tum - nơi đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, kiên cường của bộ đội ta. Những con đường mòn năm nào giờ đây đã trở thành tuyến giao thông liên huyện. Cây rừng xanh mướt, che phủ các vết tích chiến tranh, nhưng ký ức vẫn còn đó, sống động trong từng bước chân, từng nhành lá, từng tảng đá.
Tại điểm cao 1049, khi đoàn dừng chân thắp hương tưởng niệm các đồng đội đã ngã xuống, không ít cựu binh không kìm được nước mắt. Đại tá Nguyễn Thế Tân - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320 xúc động chia sẻ: Tôi trở lại nơi này sau gần nửa thế kỷ. Bao ký ức ùa về, từ những đêm rừng lạnh buốt, bữa cơm vội bên chiến hào, đến hình ảnh đồng đội nằm lại trong lòng đất mẹ. Họ đã không trở về, còn chúng tôi may mắn sống sót để kể lại.”
Tương tự, tại điểm cao 1015, những bước chân chậm rãi của các cựu binh như đang dò tìm từng dấu vết xưa. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Xuân Thiện - đồng đội của liệt sĩ Đàm Vũ Hiệp (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 hy sinh tại điểm cao này) nói trong nghẹn ngào: “Có lẽ không nơi nào trên đời tôi nhớ hơn mảnh đất này. Dưới lớp đất kia là xương máu của bao đồng đội. Trở lại nơi này, tôi thấy như mình đang trở lại tuổi 20, bên anh em đồng đội từng sát cánh chiến đấu trong khói lửa. Những mất mát đó không thể nào quên”.
Trở lại chiến trường xưa, ngay cả vị tướng trong chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh như Thiếu tướng Nguyễn Văn Đác - nguyên Chính ủy Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 cũng không cầm được sự xúc động. Đôi mắt vị tướng già đỏ hoe khi cầm nén nhang thắp cho những người đồng đội của mình năm xưa đã ngã xuống cho nền độc lập hôm nay ngay tại mảnh đất mà ông đã chiến đấu hơn 50 năm về trước.
Chia sẻ niềm xúc động đó, cựu chiến binh Vũ Văn Khì (75 tuổi, quê ở Hải Dương, từng là chiến sĩ D18- Sư 320 chiến đấu tại các điểm cao 1049, 1015 ở Sa Thầy) tâm sự: Đây là lần đầu tiên tôi trở lại chiến trường xưa. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng tôi cũng cố gắng để đi. Vào đây, kỷ niệm của người lính chúng tôi ùa về càng làm tôi xúc động, không cầm được nước mắt. Đợt trở về chiến trường lần này, tôi rất vui mừng khi được gặp lại 7 đồng đội cùng tiểu đội đã từng chiến đấu cùng nhau năm xưa trên mảnh đất này. Với tôi, ước nguyện trở lại chiến trường xưa để thắp nén nhang cho đồng đội hy sinh đã thành hiện thực. Giờ đây, có nhắm mắt xuôi tay tôi cũng yên lòng.
|
Chiến công oanh liệt của bộ đội ta trên hai điểm cao huyền thoại 1049 và 1015 không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử chiến tranh cách mạng, mà còn là biểu tượng bất diệt của lòng quả cảm, trí tuệ và tinh thần đoàn kết dân tộc. Những người lính năm xưa, dù tuổi cao, sức yếu vẫn giữ mãi trong tim hình bóng của đồng đội và lòng tự hào thiêng liêng về một thời oanh liệt đã qua. Các thế hệ người Việt Nam nói chung, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sa Thầy nói riêng, tất cả sẽ mãi mãi ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đồng thời, bày tỏ lòng tri ân những cựu chiến binh đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, để chúng ta có được một đất nước hòa bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay.
Phúc Nguyên