Kon Rẫy: Cựu chiến binh nêu gương phát triển kinh tế
Sau những năm tháng cống hiến trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh tại huyện Kon Rẫy tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, họ xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế” là cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình ở thôn 2 (xã Tân Lập). Ông được biết đến là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Lập có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Bình kể rằng, sau khi xuất ngũ năm 2021, ông trở về quê hương trong điều kiện kinh tế khó khăn. Với quyết tâm vươn lên, ông Bình thử nghiệm nhiều mô hình sản xuất và nhận thấy nuôi hươu sao lấy nhung là một hướng đi đầy tiềm năng.
Nhờ kiên trì học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi hươu sao của ông Bình từng bước phát triển ổn định, mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Thành công này không chỉ giúp ông Nguyễn Văn Bình cải thiện kinh tế gia đình mà còn là “nguồn cảm hứng” cho nhiều cựu chiến binh khác trên địa bàn học hỏi, phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình.
|
“Tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ nhiều hộ khác đầu tư nuôi hươu sao, để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Chúng tôi thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc nuôi hươu sao cũng như thu hoạch nhung. Nhìn thấy người dân, các hội viên Hội Cựu chiến binh trên địa bàn cùng nhau phát triển nghề nuôi hươu, làm giàu cho gia đình và quê hương, tôi vui lắm”- ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Hay như cựu chiến binh Nguyễn Văn Bút ở thôn 2 (xã Tân Lập) cũng là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế.
Sau khi xuất ngũ năm 1985 và tham gia xây dựng kinh tế mới tại huyện Kon Rẫy, ông Bút kiên trì lao động để phát triển kinh tế gia đình, tằn tiện chi tiêu, tích cóp để có tiền đầu tư mở rộng đất sản xuất. Ban đầu, ông trồng cà phê, nhưng nhận thấy hiệu quả chưa cao, nên ông chuyển sang trồng cây ăn quả và nuôi heo. Đặc biệt, từ năm 2022, ông mạnh dạn đầu tư nuôi hươu sao lấy nhung và sinh sản. Nhờ mô hình này kết hợp với trồng trọt và chăn nuôi, gia đình ông Bút có thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Với tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, cựu chiến binh Đoàn Văn Thường (65 tuổi) tại thôn 3 (thị trấn Đăk Rve) dù mang trong mình thương tật 71% sau chiến tranh, nhưng đã nỗ lực vượt khó, phát triển hiệu quả mô hình trồng cao su, cà phê và cây ăn trái. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nhiều hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Đăk Rve. Mô hình kinh tế của ông trở thành “điểm sáng” để bà con trong vùng đến tham quan, học hỏi.
|
Cựu chiến binh Đoàn Văn Thường cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về các mô hình sản xuất hiệu quả, tôi đã đến tận vườn tham quan các mô hình tiềm năng rồi tự mua giống về trồng thử nghiệm. Qua nhiều lần thử nghiệm, tôi đã tìm ra những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao. Đến nay tôi đã khai hoang và đầu tư mở rộng diện tích canh tác lên khoảng 4ha, tôi thực hiện mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và kết hợp đào ao thả cá. Mô hình này giúp gia đình có thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm”.
Những tấm gương cựu chiến binh nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế hiệu quả đã minh chứng rằng, dù trong hoàn cảnh nào, các cựu chiến binh vẫn phát huy ý chí và nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ” vươn lên mạnh mẽ. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xứng đáng là những cựu chiến binh tiêu biểu.
Theo ông A Tiêng- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kon Rẫy, toàn huyện hiện có hơn 1.200 hội viên sinh hoạt tại 49 chi hội. Nhằm thúc đẩy phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”, Hội Cựu chiến binh huyện Kon Rẫy tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi và triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả. Đến nay, Hội Cựu chiến binh huyện nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kon Rẫy trên 48,5 tỷ đồng, giúp hơn 600 hội viên cựu chiến binh có vốn đầu tư sản xuất. Quỹ xoay vòng của các cơ sở Hội cũng đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.
Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy có gần 50 mô hình gia trại cà phê, cao su do hội viên cựu chiến binh làm chủ. Các hội viên còn tích cực phát triển kinh tế, trồng được trên 62ha các loại cây trồng hiệu quả, khoanh nuôi bảo vệ 72 ha rừng. Đồng thời, duy trì nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng rau sạch, trồng cây bò ma, trồng mía, măng 4 mùa, nuôi vịt gây quỹ, nuôi heo đen.
“Nhờ tinh thần tự lực và quyết tâm vươn lên của các cựu chiến binh, đến nay Hội Cựu chiến binh huyện Kon Rẫy chỉ còn 45 hội viên là hộ nghèo, 64 hội viên là hộ cận nghèo; có 629 hội viên có điều kiện kinh tế gia đình khá và giàu. Những thành quả này không chỉ giúp cải thiện đời sống của cựu chiến binh mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện Kon Rẫy”- ông A Tiêng cho biết thêm.
Hoàng Thanh