Kon Plông: Khó đạt các chỉ tiêu nâng cao chất lượng giáo dục học sinh
Nghị quyết số 16/2016/NQ-HĐND ngày 2/8/2016 của HĐND huyện Kon Plông về thông qua “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Nghị quyết số 16) đã triển khai thực hiện được 3 năm, nhưng một số trường học trên địa bàn vẫn còn nhiều chỉ tiêu dự báo khó đạt hoặc không đạt.
Qua giám sát của HĐND huyện vừa qua cho thấy, nhiều nội dung Nghị quyết số 16 đề ra dự báo khó đạt hoặc không đạt; trong đó, tập trung vào việc một số trường tiểu học, trung học cơ sở (THCS) chưa có phòng học ngoại ngữ và tin học, nhà hiệu bộ, thư viện, phòng thí nghiệm, đào tạo tiếng DTTS cho giáo viên nên học sinh vẫn phải "học chay".
Cụ thể, Phòng GD-ĐT không nêu nội dung, danh mục, lộ trình chi tiết và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trường học để triển khai các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, mà chỉ ban hành kế hoạch chung để triển khai Nghị quyết số 16, do vậy rất lúng túng khi thực hiện tại cơ sở.
Các trường học chịu sự giám sát không ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 16. Một số đơn vị có xây dựng kế hoạch thực hiện, nhưng chỉ mang tính chất đối phó, nội dung chưa sát, chưa đúng và chưa cụ thể được các chỉ tiêu. Trường THCS bán trú xã Hiếu và Trường THCS Măng Đen xây dựng báo cáo chưa sát với đề cương yêu cầu, còn dàn trải, không đúng trọng tâm. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân các trường nêu còn chung chung, sơ sài, chưa đạt yêu cầu. Các đề xuất, kiến nghị của tất cả các trường chịu sự giám sát chưa cụ thể và chi tiết, nên gây khó khăn cho việc tổng hợp, đề xuất, chỉ đạo giải quyết của Thường trực HĐND huyện.
Đặc biệt, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn quốc gia còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học, trong đó chủ yếu là thiếu nhiều phòng học bộ môn chuyên biệt như Tin học, tiếng Anh, phòng thí nghiệm, phòng thư viện, sân chơi, bãi tập để nâng cao chất lượng dạy học.
|
Kinh phí xây dựng trường ở các đơn vị xã khác nhau, nhưng phân bổ đều 900 triệu đồng/trường là bất hợp lý, có trường định mức xây dựng 1 phòng học đầu tư 1,2 tỷ đồng là quá cao so với mặt bằng chung của địa phương.
Đối với cấp học mầm non, nhiều điểm trường thôn chưa được đầu tư trang thiết bị, đồ chơi ngoài trời, thậm chí một số điểm thôn thiếu nước sinh hoạt.
Trong việc đầu tư xây dựng phòng học, một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT, đơn vị sử dụng và chủ đầu tư, cụ thể là Ban Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản huyện, nên dẫn đến nhiều phòng học xây dựng xong không sử dụng, gây lãng phí ngân sách. Do vậy, đã xảy ra tình trạng thừa phòng học cục bộ. Đơn cử, tại Trường Tiểu học xã Ngọc Tem thừa 8 phòng học.
Tại Trường THCS xã Ngọc Tem, các đơn vị tư vấn không tham khảo đơn vị sử dụng, nên xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú che lấp luôn cửa sổ của phòng học chính, làm thiếu ánh sáng tự nhiên, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của học sinh; đồng thời nhà ăn và bếp nấu ăn của học sinh còn chật chội và tạm bợ, xây dựng nhà vệ sinh thì không có bể chứa nước, cá biệt có nhà vệ sinh xây dựng đã hơn 1 năm nhưng chưa bàn giao và không sử dụng được gây mất mỹ quan khuôn viên và lãng phí.
Công trình nhà vệ sinh Trường THCS Măng Đen, công trình nhà vệ sinh Trường Tiểu học bán trú thị trấn Măng Đen có một số công trình phụ trợ đầu tư xây dựng, nhưng khi đưa vào sử dụng không phù hợp thực tế.
Cơ sở vật chất về trường, lớp, nhà ăn, ở, công trình nước sạch, giường nằm cho học sinh bán trú cũng như trang thiết bị dạy học ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu học tập. Một số nhà ăn, kho chứa gạo của học sinh bán trú còn tạm bợ hoặc mượn tạm phòng học của học sinh để chứa.
Hợp đồng nhập thực phẩm của một số trường học chưa rõ ràng, không có số lượng, đơn giá mặt hàng cụ thể. Giá mua thực phẩm cho bếp ăn của học sinh bán trú ở một số trường còn cao so với giá thị trường. Nhiều hợp đồng lập chứng từ còn mang tính hình thức, đối phó, hợp đồng chung chung. Việc cung cấp đồ ăn cho học sinh chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá, gây băn khoăn cho phụ huynh học sinh.
Có thể nói, công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của Phòng GD-ĐT huyện Kon Plông chưa đạt yêu cầu, thiếu sáng tạo. Vai trò tham mưu của chi bộ các trường và của ban giám hiệu các trường đối với cấp ủy, chính quyền các cấp chưa sâu, chưa sát, nên nhiệm vụ chưa đạt kỳ vọng.
Trước tình hình đó, HĐND huyện đề nghị Huyện ủy chỉ đạo đảng ủy các xã lãnh đạo HĐND, UBND, Mặt trận và các đoàn thể xã cần triển khai, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 16 và các nghị quyết khác có liên quan tại cơ sở, đồng thời phối hợp ban giám hiệu các trường học tích cực vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ của học sinh bán trú trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND huyện cần cân đối, bổ sung kinh phí cho ngành GD-ĐT và các trường học trên địa bàn huyện triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 đạt kết quả, trong đó tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục như nhà hiệu bộ, phòng học tin học, ngoại ngữ, phòng thí nghiệm và phòng thư viện. Đồng thời, chỉ đạo ngành GD-ĐT huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể lại kế hoạch đầu tư xây dựng các trường học, phòng học theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và các nguồn khác để đảm bảo việc xây dựng trường, lớp học, đáp ứng yêu cầu dạy và học, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây xong không có học sinh, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Nguyên Hà