Hội LHTN Việt Nam tỉnh: Đẩy mạnh việc lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”
Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, thời gian qua, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã chủ động đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phong trào đã và đang từng bước lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần học tập và tiếp cận công nghệ trong cộng đồng dân cư, nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi, lao động phổ thông.
|
Khái niệm “Bình dân học vụ số” là một thuật ngữ mới, bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn của tiến trình chuyển đổi số toàn diện đất nước. “Bình dân học vụ” những năm đầu cách mạng nhằm xóa mù chữ cho nhân dân, thì “bình dân học vụ số” hiện nay hướng đến việc xóa mù về công nghệ, kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và ứng dụng công nghệ số trong học tập, lao động và đời sống.
Theo đó, phong trào tập trung phổ cập kiến thức, kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, tham gia thương mại điện tử, bảo mật thông tin cá nhân trên internet và nâng cao nhận thức về không gian mạng an toàn. Đối tượng thụ hưởng bao gồm tất cả người dân có nhu cầu học hỏi, trong đó đặc biệt ưu tiên nhóm yếu thế như người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người lao động phổ thông.
Từ đầu tháng 3/2025 đến nay, Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều đợt ra quân, trực tiếp triển khai các hoạt động phổ cập kỹ năng số đến hơn 500 người dân trên địa bàn tỉnh. Những lớp học được tổ chức linh hoạt tại nhà văn hóa thôn, trường học, không gian cộng đồng giúp người dân dễ dàng tiếp cận, thực hành và tương tác trực tiếp với các hướng dẫn viên thanh niên.
Song song đó, Hội LHTN các huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc đã đồng loạt vào cuộc, với nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số được triển khai đến hơn 2.000 lượt thanh niên và người dân. Các nội dung đều được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng như: Hướng dẫn sử dụng VNeID, đăng ký dịch vụ công, học cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử, sử dụng ví điện tử và nhận biết tin giả trên mạng xã hội.
Một trong những điểm nhấn của phong trào là việc Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội trực thuộc thành lập các đội hình “Bình dân học vụ số” tại từng cơ sở Hội. Mỗi đội hình bao gồm các bạn trẻ có kiến thức và kỹ năng công nghệ tốt, vừa là người hướng dẫn, vừa là người đồng hành cùng người dân trong việc làm quen với thiết bị số và không gian mạng. Nhiều bạn trẻ đã chủ động chia sẻ kiến thức, tổ chức lớp học nhỏ tại nhà, tận dụng thời gian ngoài giờ để hỗ trợ cộng đồng.
Chị Thái Thị Hoàn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh chia sẻ: “Việc triển khai phong trào ‘Bình dân học vụ số” không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, mà còn phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo của thanh niên trong thời đại công nghệ. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn 2025 - 2027 và sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng các lớp học nhằm giúp người dân sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, an toàn.”
Không dừng lại ở việc phổ cập kỹ năng sử dụng thiết bị, Tỉnh hội còn triển khai đến các cấp hội trực thuộc tổ chức các đội hình hướng dẫn người dân cách giao dịch điện tử, tra cứu thông tin y tế, hành chính, ứng dụng phần mềm nông nghiệp tùy theo đặc thù từng địa bàn. Đặc biệt tại các khu vực vùng cao, nơi hạ tầng còn hạn chế, thanh niên còn kiêm luôn vai trò “kỹ thuật viên lưu động”, giúp bà con cài đặt phần mềm, khắc phục sự cố thiết bị.
|
Có thể thấy, phong trào “Bình dân học vụ số” đang dần thổi luồng sinh khí mới vào cộng đồng dân cư. Sự tham gia nhiệt tình của thanh niên đã tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao dân trí công nghệ, từng bước hình thành thói quen sử dụng công nghệ số một cách chủ động và hiệu quả.
Trong thời gian tới, Hội LHTN Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội mở rộng quy mô lớp học, đa dạng hóa hình thức truyền thông, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, trường học, cơ quan nhà nước để tạo ra mạng lưới hỗ trợ bền vững. Những hoạt động này không chỉ góp phần xây dựng xã hội số, công dân số, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của thanh niên Kon Tum trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tất Thành