Hoang mang trước “ma trận” hàng giả
Những ngày vừa qua, khi người dân chưa hết bàng hoàng trước vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô chưa từng có bị phát hiện thì lại dư luận tại tiếp tục được phen rúng động khi một đường dây sản xuất thuốc chữa bệnh giả lớn đã được Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá.
|
Liên tiếp các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn bị phát hiện không khỏi khiến người dân hoang mang, lo lắng trước vấn nạn hàng giả.
Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở cửa, hàng hóa đa dạng thì người tiêu dùng không còn xa lạ với khái niệm “hàng giả, hàng nhái, hàng lậu”. Tuy nhiên, khi tình trạng này ngày một gia tăng về chủng loại hàng hóa, mức độ tinh vi, quy mô, điều đó khiến người tiêu dùng bất an.
Mới đây, ngày 21/4, tại Hội nghị trực tuyến giao ban công tác quý I/2025 giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các địa phương, con số nêu ra khiến nhiều người phải giật mình. Trong 3 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương trong cả nước bắt giữ, xử lý 30.651 vụ việc vi phạm về buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; trong đó, có 6.754 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và 1.113 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ.
Tại tỉnh Kon Tum, qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 34 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 188 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 64,3 triệu đồng.
Mua cái gì cũng sợ, không biết thật- giả ra sao, nhiều người tiêu dùng cảm thấy mất phương hướng giữa “ma trận” thị trường hàng hóa. Bởi, đôi khi không phải người tiêu dùng không thông thái, ham rẻ rồi chọn mua những mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ mà ngay cả những mặt hàng có đầy đủ tem nhãn được các cơ quan chức năng cấp phép, bán với giá cả đắt đỏ vẫn có thể là hàng giả, khiến người tiêu dùng gặp khó.
Ví như trong vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả, đa số các loại sữa này đều được quảng cáo dùng cho bệnh nhân bị các bệnh ngặt nghèo như tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng nên chúng được bán với giá cao và được một số người có kiến thức chuyên môn tư vấn sử dụng. Còn trong số 21 loại thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ trong quá trình triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành gồm Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion và được bán tại một số quầy thuốc.
Mua phải hàng giả không đơn thuần chỉ là việc “ném tiền qua cửa sổ” mà điều đáng lo ngại hơn là việc tiêu thụ, sử dụng phải những loại hàng giả như thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm giả gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dùng.
Từ các vụ việc được phanh phui cho thấy sự liều lĩnh và tinh vi của đối tượng, tìm mọi cách lợi dụng những kẽ hở trong các quy định pháp luật để sản xuất, buôn bán hàng giả. Hơn nữa, trong bối cảnh thương mại điện tử “bùng nổ”, thói quen mua hàng của người dân dần thay đổi từ truyền thống sang online, các đối tượng làm ăn phi pháp cũng đã lợi dụng các sàn thương mại như Shopee, Tiktok Shop, Lazada, Tiki, mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến người tiêu dùng càng dễ mua phải các loại hàng giả, hàng nhái. Đây là những tồn tại, khó khăn đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chỉ ra trong Hội nghị ngày 21/4.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã trở thành mối đe dọa với cả cộng đồng khi loại hàng hóa này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng mà còn gây ra rối loạn thị trường, tác động trực tiếp tới giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
|
Việc đấu tranh, ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả không còn là câu chuyện của riêng ai. Do đó, cùng với việc siết chặt hơn nữa các quy định của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát thị trường, nhất là hậu kiểm, xử lý nghiêm các vi phạm. Các doanh nghiệp chân chính cũng cần chủ động bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức tiêu dùng để hạn chế mua phải hàng giả, hàng lậu.
THÙY HƯƠNG