Đừng để nước đến chân mới nhảy
Những tháng đầu năm nay, bệnh sởi bùng phát với số ca mắc cao trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là chỉ khi thấy nhiều trẻ em mắc sởi nhiều người mới nhận thấy tầm quan trọng của vắc xin và vội vàng đưa con em mình đi tiêm phòng.
Những ngày gần đây, thấy báo, đài liên tục đưa tin về tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp ở nhiều nơi với số ca mắc, nhập viện điều trị liên tục gia tăng, chị bạn tôi mới giật mình lục tìm lại lịch sử tiêm chủng của con và phát hiện con chị chưa hề tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Lo lắng con bị lây nhiễm bệnh, tranh thủ ngày cuối tuần, chị liền đưa con đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ để chích ngừa.
Theo chị bạn tôi kể, tổ dân phố thường xuyên thông báo về chương trình tiêm chủng cho trẻ em, nhưng nhiều khi vì bận việc, cộng với tâm lý chủ quan nên chị đã bỏ qua cơ hội tiêm phòng sởi cũng như một số loại vắc xin cần thiết cho con khi còn nhỏ.
Thống kê của ngành Y tế tỉnh, trong gần 3 tháng đầu năm, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 728 ca mắc sởi và nghi sởi, tăng 722 ca so với cùng kỳ năm ngoái.Trước tình hình bệnh sởi lan nhanh, cũng như chị bạn tôi, nhiều người dân lập túc đổ xô đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Điều này khiến cho nhiều điểm tiêm chủng trở nên quá tải, người dân phải xếp hàng dài chờ đợi, nhất là vào những ngày cuối tuần.
|
|
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Đa số các ca mắc sởi là trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh. Ngoài ra, những người lớn chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc lại cũng nằm trong nhóm có nguy cơ mắc sởi.
Để tạo miễn dịch trong cộng đồng, thời gian này, ngành Y tế tập trung triển khai quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi trên toàn tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm phòng; tổ chức đa dạng các hình thức tiêm chủng phù hợp với từng nhóm đối tượng.Trong đó, đối với nhóm trẻ từ 6-9 tháng tổ chức tiêm tại trạm y tế, các điểm tiêm ngoại trạm phù hợp với từng địa bàn. Đối với nhóm trẻ 6-10 tuổi, phối hợp cùng ban giám hiệu các trường tổ chức tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm phù hợp đủ điều kiện theo quy định do địa phương lựa chọn. Mục tiêu đặt ra hoàn thành bao phủ đủ mũi vắc xin cho 95% đối tượng trong diện tiêm chủng.
Vắc xin từ lâu được biết như một “lá chắn” giúp phòng ngừa nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó, có bệnh sởi, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng tránh dịch bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu được giá trị thực sự mà vắc xin mang lại và thực hiện tiêm phòng đúng cách.
Một số gia đình chưa quan tâm đúng mức đến lịch tiêm chủng định kỳ của con em nên chỉ khi dịch bệnh bùng phát hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao mới tìm đến vắc xin. Trong khi đó, đa số các vắc xin thường không tạo ra kháng thể ngay lập tức sau khi tiêm mà thường cần phải có một thời gian để hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể. Thế nên, nếu khi bùng dịch mới tiêm thì trong khoảng thời gian này, hệ miễn dịch cũng chưa được trang bị đầy đủ khả năng bảo vệ, người được tiêm phòng vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao nếu tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, đặc biệt với nhóm nguy cơ như người già, trẻ nhỏ và người có bệnh nền. Hơn nữa, việc nhiều người đổ xô đi tiêm chủng trong một thời điểm sẽ khiến nhu cầu vắc xin tăng vọt, không đảm bảo nguồn cung, giá cả có thể tăng cao và nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ cũng không đảm bảo.
Chính vì vậy, việc chủ động tiêm phòng vắc xin sớm là giải pháp hữu hiệu giúp bảo vệ sức khỏe bản thân trước dịch bệnh và hạn chế ảnh hưởng tới cộng đồng, đồng thời, cũng góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Đừng để “nước đến chân mới nhảy”.
Thiên Hương