Đồn Biên phòng Sa Thầy chủ động thu gom vũ khí, vật liệu nổ
Những khẩu súng kíp tự chế, những viên đạn từng được cất giấu trong các góc nhà, lùm cây nay được bà con tự nguyện giao nộp cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy. Người dân khu vực biên giới đã hiểu rõ hơn về nguy cơ tiềm ẩn của vũ khí trái phép, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Mọi người cùng chung tay với Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh, bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.
Đồn Biên phòng Sa Thầy được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 13,3km tiếp giáp với xã Nhang, huyện Đum Mia, tỉnh Rattanakiri (Campuchia); địa bàn quản lý thuộc hai xã Ia Tơi và Ia Đal (huyện Ia H’Drai) nơi có gần 1.600 người dân sinh sống, chủ yếu là công nhân cao su thuộc Công ty Chư Mom Ray và Chi nhánh Công ty 716 (Binh đoàn 15).
Với đặc thù là vùng biên, nơi đây từng tồn tại tình trạng người dân tàng trữ vũ khí tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, trong đó chủ yếu là súng kíp dùng để săn bắn. Việc sở hữu và sử dụng các loại vũ khí này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đồng thời có thể bị lợi dụng vào các hoạt động phạm pháp. Nhận thức rõ vấn đề, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
|
Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sa Thầy đã bám địa bàn, bám từng hộ dân để tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động. Đơn vị tăng cường phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của bà con nhân dân ở khu vực biên giới; thông tin bà con nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Đại úy Lê Văn Sắc - Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Sa Thầy cho biết: Có những hộ dân ban đầu còn nghi ngại, lo sợ bị phạt khi giao nộp súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Chúng tôi phải đến tận nhà, trò chuyện nhiều lần, giải thích rõ chính sách để họ hiểu rằng đây là hành động vì an toàn của chính họ và cộng đồng. Từ đó, khuyên khích bà con tự nguyện giao nộp.
Trong số những người dân đến giao nộp, ông Lương Văn Mắn (thôn 1, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) là một trong những người tự nguyện nộp lại khẩu súng kíp từng gắn bó với ông nhiều năm. Ông Mắn chia sẻ: Hồi trước, nhà tôi ở gần rừng, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng súng để săn bắn. Nhưng được Bộ đội Biên phòng tuyên truyền nhiều, mình mới hiểu ra giữ súng trong nhà nguy hiểm lắm. Có lần nghe tin đâu đó có vụ nổ do súng tự chế, tôi sợ quá nên quyết định đem nộp. Bộ đội Biên phòng cũng giải thích rõ, mình không vi phạm gì cả, vậy nên tôi yên tâm giao nộp.
Đồng thời, tại các buổi họp làng, Đồn Biên phòng Sa Thầy chủ động phối hợp chặt chẽ với già làng, trưởng thôn để truyền đạt thông tin. Việc huy động người có uy tín trong cộng đồng tham gia tuyên truyền đã giúp việc thu gom vũ khí trái phép, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nhờ sự kiên trì bám dân, thuyết phục bằng lý lẽ và cả tình cảm, công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ tại khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Sa Thầy phụ trách đã đạt kết quả tích cực.
|
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức 12 buổi tuyên truyền với 600 lượt người dân tham gia. Qua công tác tuyên truyền vận động đã giúp cho quần chúng nhân dân trong khu vực biên giới nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Đơn vị đã vận động người dân tự nguyện giao nộp 15 khẩu súng kíp. Đặc biệt trong các tháng cuối năm, đã có đến 12 khẩu súng được thu hồi.
“Kết quả này không chỉ thể hiện hiệu quả của công tác tuyên truyền mà còn cho thấy sự thay đổi về nhận thức của người dân. Một khi họ đã hiểu và tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước, họ sẽ tự nguyện chấp hành, không cần đến những biện pháp cưỡng chế. Không chỉ thu gom vũ khí, công tác tuyên truyền còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an ninh biên giới, giúp họ cảnh giác hơn với các loại tội phạm ”- Đại úy Lê Văn Sắc tâm sự.
Những khẩu súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo được thu hồi không chỉ giúp giảm nguy cơ tai nạn mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn, lành mạnh. Khi người dân hiểu rõ vai trò của mình trong việc giữ gìn an ninh, họ sẽ trở thành những “tai mắt” hữu hiệu giúp lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc vùng biên.
Từ những nội dung triển khai, có thể nhận đấy, Đồn Biên phòng Sa Thầy đã thực hiện hiệu quả việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Sự bình yên của biên giới không chỉ đến từ những cuộc tuần tra ngày đêm của các chiến sĩ Biên phòng, mà còn nhờ sự đồng lòng của chính những người dân nơi đây.
Tất Thành