Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng Tê Xăng
Phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng của vùng căn cứ cách mạng trong chiến tranh, trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi thay, phát triển.
|
Trong chiến tranh, quân và dân xã Tê Xăng đã đóng góp sức người, sức của, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc. Trong hai cuộc kháng chiến, đồng bào Xơ Đăng ở Tê Xăng một lòng đi theo cách mạng, người tham gia du kích, người nuôi giấu cán bộ, tham gia vận chuyển lương thực, đạn dược.
Bà Y Hoa- Bí thư Đảng ủy xã Tê Xăng tự hào: Trọn một lòng theo Đảng, theo Bác, người Tê Xăng đã tích cực tham gia cách mạng, mỗi người mỗi việc, người làm giao liên, người tham gia du kích, bộ đội. Ngoài đóng góp sức người, sức của, nhân dân xã Măng Ri đã đưa đón và bảo vệ hàng trăm lượt cán bộ của trên đi về an toàn, tiếp nhận và nuôi dưỡng nhiều đơn vị chủ lực của tỉnh, quân khu trong thời gian tập kết tại địa bàn xã. Tích cực tham gia các phong trào cách mạng, trên địa bàn xã đã xuất hiện những hạt giống đỏ là người địa phương. Tháng 5/1961, tại Tea Tụm (thuộc địa bàn thôn Đăk Song, xã Tê Xăng ngày nay), Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Tê Xăng chính thức làm lễ thành lập, với 9 đảng viên. Đặc biệt, tháng 10/1965, tại làng Đăk Viên, xã Tê Xăng đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ II. Đại hội đã tổng kết mọi mặt công tác và sự lãnh đạo của Đảng bộ và khẳng định: “... trong thời gian qua, Đảng bộ và quân, dân tỉnh Kon Tum đã góp phần cùng cả nước đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch”.
Với những quyết sách, định hướng quan trọng cộng với tinh thần đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, người dân Tê Xăng nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc giành những thắng lợi trên chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
50 năm đã trôi qua, Tê Xăng gian khó trong chiến tranh nay đã có nhiều đổi thay. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ từ xã ra trung tâm huyện, từ xã Tê Xăng đi các xã khác, giữa các thôn, làng trong xã đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại. Đến nay, nhiều tuyến đường như từ thôn Đăk Viên đi thôn Tu Thó, từ cầu Đăk Song đi Tu Thó, từ Tu Thó đi khu sản xuất Tân Ba, đường trục thôn tái định cư thôn Tân Ba đã đầu tư xây dựng, đưa xã đạt tỷ lệ 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Không chỉ được đầu tư về hạ tầng giao thông, các hạ tầng phục vụ cho đời sống dân sinh đều được đảm bảo. Đến nay, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt 95,16%; trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố.
Như ở thôn Tu Thó, sau nhiều nỗ lực xây dựng hạ tầng, gìn giữ nét đẹp văn hóa, đã được UBND tỉnh Kon Tum công nhận Làng du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch đến thăm quan trải nghiệm. Bà Y Hoa cho biết: Ở thôn đã có những hộ dân tự cải tạo, chỉnh trang vườn nhà, thiết kế sản phẩm du lịch độc đáo, đậm bản sắc địa phương để mời gọi, thu hút du khách đến lưu trú, trải nghiệm. Bà con đã biết đưa các sản phẩm làm ra trưng bày để buôn bán, trao đổi hàng hóa. Trong quá trình xây dựng và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, người dân được tập huấn, liên kết, hỗ trợ nhau làm du lịch để có thêm thu nhập, một loại hình rất mới mẻ với đặc thù của một xã vùng sâu, vùng xa như Tê Xăng.
Cựu chiến binh A Nia, ở thôn Đăk Song đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng của quân và dân ta trong các chiến dịch như Chiến dịch giải phóng Đăk Tô- Tân Cảnh, giải phóng thị xã Kon Tum 1975.Đất nước thống nhất, ông tích cực tham gia công tác tại xã và hội cựu chiến binh. Phấn khởi trước sự thay đổi của quê hương, ông tâm sự: Trước đây muốn từ xã đi ra trung tâm huyện phải đi bộ mất cả ngày đường thì ngày nay đường ô tô đã đến tận các thôn. Điện lưới quốc gia đã về đến từng nhà. Ốm đau có bác sĩ chăm sóc, hỗ trợ thuốc, các cháu đi học đến trường ngay ở thôn. Người dân còn được hỗ trợ vay vốn, được tham gia các mô hình khuyến nông khuyến lâm để phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình ấm no hơn.
|
Vượt qua khó khăn bởi những bất lợi về khí hậu, địa hình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân xã Tê Xăng đã đề ra và triển khai nhiều giải pháp phát triển phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Trong đó, sản xuất trồng trọt tập trung vào 2 nhóm cây chính là: cây lương thực (cây lúa), cây hàng hoá (mì, cà phê, các loại cây dược liệu sâm dây, ngũ vị tử, sâm Ngọc linh, cây ăn quả) đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Người dân có thu nhập đã đầu tư xây dựng những ngôi nhà mới vững chãi, mua sắm các vật dụng phục vụ cuộc sống, chăm chút con cái học hành và tiếp tục đầu tư vào phát triển sản xuất.
Chị Y Bắp, ở thôn Đăk Viên là một trong số những hộ khá giàu của xã tâm sự: Được Đảng bộ, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh. Đến nay, với cả nghìn cây, mỗi năm gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ bán lá, củ và hạt.
Với những chủ trương, định hướng đúng đắn, cụ thể, sau 50 năm đất nước được giải phóng, diện mạo ở vùng căn cứ Tê Xăng năm xưa đã có nhiều đổi thay, người dân đã phát huy được lợi thế về dược liệu, cà phê xứ lạnh nên đời sống ngày càng nâng cao. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí xã nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm còn 18,73%, thu nhập bình quân đầu người ở xã hiện đạt 29,5 triệu đồng (năm 2020 chỉ đạt 18 triệu đồng), đạt 147,5% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVII đề ra.
Phúc Nguyên